Thông tư 01/2004/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 88/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý hội do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 01/2004/TT-BNV
Ngày ban hành 15/01/2004
Ngày có hiệu lực 12/02/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Quyền dân sự,Văn hóa - Xã hội

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2004/TT-BNV

Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 01/2004/TT-BNV NGÀY 15/01/2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 88/2003/NĐ-CP NGÀY 30/7/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ HỘI

Thi hành Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sau đây gọi tắt là Nghị định), Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện như sau:

I. VỀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH

Phạm vi điều chỉnh gồm: hội, liên hiệp hội, hội liên hiệp, Tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ và hội có tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội) có tư cách pháp nhân, có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh; trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh); trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện); xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

II. SỐ LƯỢNG THÀNH VIÊN BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HỘI, HỒ SƠ THÀNH LẬP BAN VẬN ĐỘNG, CÔNG NHẬN BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HỘI VÀ NHIỆM VỤ CỦA BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HỘI

1. Muốn thành lập hội những người sáng lập phải thành lập ban vận động thành lập hội. Số thành viên trong ban vận động thành lập hội được quy định như sau:

a) Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất 10 thành viên;

b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, có ít nhất 5 thành viên;

c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, có ít nhất 3 thành viên;

d) Hiệp hội của các tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động trong cả nước có ít nhất 5 thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế; đối với hiệp hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất 3 thành viên đại diện cho các tổ chức kinh tế trong tỉnh.

2. Hồ sơ thành lập ban vận động thành lập hội gồm:

a) Đơn xin công nhận ban vận động thành lập hội, trong đơn nêu rõ tên hội, tôn chỉ, mục đích của hội, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động, phạm vi hoạt động, dự kiến thời gian trù bị thành lập hội và nơi tạm thời làm địa điểm hội họp;

b) Danh sách và trích ngang của những người dự kiến trong ban vận động thành lập hội: họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; trú quán; trình độ văn hóa; trình độ chuyên môn.

3. Việc công nhận ban vận động thành lập hội:

a) Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh, do Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ) quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận;

b) Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, do Sở, cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi chung là Sở) quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội dự kiến hoạt động quyết định công nhận;

c) Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã, do Uỷ ban nhân dân huyện quyết định công nhận.

4. Nhiệm vụ của ban vận động thành lập hội:

a) Vận động công dân, tổ chức đăng ký tham gia hội;

b) Chuẩn bị hồ sơ thành lập hội theo quy định tại Điều 8 của Nghị định.

Sau khi đã hoàn tất việc trù bị thành lập hội, ban vận động thành lập hội gửi hồ sơ đến:

- Bộ Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh;

- Sở Nội vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, huyện, xã.

Ban vận động thành lập hội tự giải thể khi đại hội bầu ra ban chấp hành của hội.

III. SỐ LƯỢNG NGƯỜI ĐĂNG KÝ THAM GIA THÀNH LẬP HỘI

1. Hội có phạm vi hoạt động trong cả nước hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 chữ ký (đơn xin tham gia) của công dân, tổ chức ở nhiều tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội.

2. Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh có ít nhất 50 chữ ký (đơn xin tham gia) của công dân, tổ chức trong tỉnh có đủ điều kiện, tự nguyện đăng ký tham gia thành lập hội.

[...]