Quyết định 549/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 549/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/03/2019
Ngày có hiệu lực 14/03/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Nguyễn Văn Tùng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 549/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DỊCH VỤ LOGISTICS THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông báo số 394-TB/TU ngày 15/3/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về việc cho ý kiến Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 06/TTr-KHĐT ngày 15/02/2019; Sở Giao thông vận tải tại Văn bản số 354/SGTVT ngày 15/02/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng theo hướng hiện đại, đồng bộ và bền vững để Hải Phòng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia, có vai trò quốc tế; tương xứng yêu cầu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

- Quy hoạch hệ thống trung tâm logistics theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp và hiện đại, làm nền tảng, cơ sở phát triển hệ thống dịch vụ logistics trên toàn thành phố; gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, hệ thống giao thông, sử dụng đất và các quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khác của Hải Phòng và khu vực Bắc Bộ.

- Phát triển có trọng tâm, trọng điểm trước hết trên các địa bàn có lợi thế, trên cơ sở xác định đúng quy mô, địa điểm trung tâm logistics cấp vùng, cấp tỉnh phù hợp với từng thời kỳ, giảm thiểu chi phí dịch vụ. Bên cạnh đó, khuyến khích các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động hiệu quả tiếp tục phát triển, tăng tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp; gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu là thế mạnh của thành phố, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, hỗ trợ đắc lực cho quá trình hình thành và hoạt động hệ thống trung tâm logistics.

- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics nhằm nâng cao nhanh giá trị dịch vụ logistics tính trên tấn (container) hàng hóa thông qua cảng ở Hải Phòng (cảng biển, cảng hàng không).

- Từng bước tái cơ cấu dịch vụ vận tải hàng hóa đa phương tiện theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế, góp phần giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Huy động mọi nguồn lực của xã hội, bao gồm cả nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài. Bảo đảm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và khai thác các trung tâm logistics, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp.

2. Mục tiêu phát triển

2.1 Mục tiêu chung

Phát triển mạng lưới trung tâm logistics đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức, hoạt động theo mô hình 3PL nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối ưu hóa chi phí và tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Từng bước triển khai mô hình 4PL và 5PL trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

2.2 Mục tiêu cụ thể

- Quy hoạch đến năm 2020:

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 25% -30%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 15% - 20%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%.

Các trung tâm logistics mới theo quy hoạch đảm nhận 40% - 50% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics của thành phố; còn lại các trung tâm và khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang khai thác đảm nhận 50% - 60%. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, đảm bảo tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ngành logistics đạt 60%.

- Quy hoạch đến năm 2025:

Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% - 35%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% - 25%; tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 60%.

[...]