Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 546/QÐ-UBDT năm 2018 về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Ủy ban Dân tộc

Số hiệu 546/QĐ-UBDT
Ngày ban hành 07/09/2018
Ngày có hiệu lực 07/09/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Đỗ Văn Chiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 546/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN ỦY BAN DÂN TỘC

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP, ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 01/2016/TT-BNV, ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/01/2015 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 559/QĐ-UBDT, ngày 25/9/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Dân tộc;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Ủy ban Dân tộc.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 38/QĐ-UBDT, ngày 29/01/2016 của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Ủy ban Dân tộc.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thủ trưởng các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của cơ quan Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 ;
- BCĐTW về việc thực hiện QCDC ở cơ sở;
- Bộ Nội vụ;
- BCS đảng UBDT;
- Đảng ủy cơ quan UBDT;
- BTCN và các TTPCN UBDT;
- BCHCĐ, BCHĐTN cơ quan, Ban TT ND;
- Cổng TTĐT UBDT;
- Lưu: VT, TCCB (03b).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN ỦY BAN DÂN TỘC
(Kèm theo Quyết định số: 546/QĐ-UBDT, ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Ủy ban Dân tộc, bao gồm: dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan:

a) Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Ủy ban Dân tộc, người đứng đầu các vụ, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban Dân tộc (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị) và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra;

b) Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.

2. Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp có trong danh sách trả lương và là đoàn viên công đoàn của cơ quan, đơn vị (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức).

Điều 2. Mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị

1. Phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

2. Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước.

3. Phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

[...]