Quyết định 54/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020
Số hiệu | 54/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 18/01/2016 |
Ngày có hiệu lực | 18/01/2016 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Giang |
Người ký | Lê Ánh Dương |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/QĐ-UBND |
Bắc Giang, ngày 18 tháng 01 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Khám bệnh, Chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2015/NQ-HĐND, ngày 11 tháng 12 năm 2015 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Sở Y tế Bắc Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung: Tăng cường thu hút và đào tạo cán bộ y tế, đặc biệt nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nhằm đưa các dịch vụ kỹ thuật từ tuyến trung ương về tỉnh, từ tỉnh về tuyến huyện, tuyến xã.
2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 đạt các mục tiêu sau:
- Tăng tỷ lệ bác sỹ/vạn dân từ 7,9 bác sỹ lên 9,5 bác sỹ;
- Phấn đấu đạt 20-30% số trạm y tế xã, phường, thị trấn có 02 bác sỹ;
- Tăng tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ có trình độ sau đại học trên tổng số bác sỹ, dược sỹ lên 55%;
- Các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện được 70-75% phân tuyến kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế;
- Có 90% bệnh viện huyện, thành phố, bệnh viện chuyên khoa được nâng hạng từ hạng III lên hạng II;
- Mỗi năm có 10-15 cán bộ, viên chức được cử ra các bệnh viện trung ương học chuyển giao kỹ thuật mới, ưu tiên các bệnh viện tỉnh và một số kỹ thuật tuyến huyện; 15-20 cán bộ, viên chức tuyến huyện được cử lên bệnh viện tuyến tỉnh học chuyển giao kỹ thuật. Đối với bệnh viện tuyến tỉnh ưu tiên các kỹ thuật: can thiệp đặt stens động mạch vành tim, kỹ thuật nút mạch một số bệnh lý gan, mạch não, xạ trị trong điều trị ung thư.
II. Nhiệm vụ, giải pháp
1. Tăng cường thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao. Hàng năm, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện tuyển dụng bác sỹ nội trú theo hình thức tuyển dụng đặc cách, không tuyển dụng tập trung để tranh thủ nguồn lực bác sỹ chất lượng cao. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành có kế hoạch đào tạo, bổ sung cán bộ y tế chất lượng cao, chủ động liên hệ với các cơ sở đào tạo y dược để tuyên truyền, phổ biến chính sách thu hút bác sỹ nội trú về tỉnh làm việc.
2. Thực hiện đào tạo theo mục tiêu của Đề án và kế hoạch thường xuyên hàng năm: Các cơ sở y tế công lập được hỗ trợ đào tạo theo đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, dự án Norred... của Bộ Y tế phải chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở y tế tuyến trên cử cán bộ đi đào tạo, phát triển các kỹ thuật theo phân tuyến, các kỹ thuật mới. Bên cạnh nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh, cơ sở y tế công lập chủ động bố trí, sử dụng kinh phí sự nghiệp của đơn vị để hỗ trợ đào tạo thường xuyên, đào tạo sau đại học, đào tạo quản lý phù hợp phân hạng của đơn vị.
3. Thực hiện các loại hình đào tạo để tạo nguồn bác sỹ có chất lượng tại các tuyến a) Đào tạo bác sỹ hệ liên thông: Hàng năm, Sở Y tế chủ động liên kết với các trường đại học y, dược ký kết hợp đồng đào tạo bác sỹ hệ liên thông. Trung bình, mỗi năm cử khoảng 30 - 35 cán bộ đi học bác sỹ hệ liên thông, ưu tiên cho cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn, các chuyên khoa truyền nhiễm, lao, tâm thần, HIV/AIDS, pháp y, giải phẫu bệnh, chống nhiễm khuẩn.
b) Đào tạo sau đại học:
- Hàng năm cử khoảng 50 cán bộ đi học sau đại học hệ tập trung tại các trường y, dược trong cả nước.
- Liên kết với trường Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y Hà Nội và các trường Đại học Y khác mở các lớp CKI, CKII tại tỉnh, tập trung ở các chuyên khoa: CKII y tế công cộng, CKI y học dự phòng, Nội, ngoại, Sản, Nhi, y tế công cộng, y học gia đình, mỗi lớp từ 20 - 25 học viên (mỗi chuyên ngành 01 lớp).
4. Chú trọng đào tạo, phát triển kỹ thuật mới: Hàng năm, cử từ 10 - 15 cán bộ tuyến tỉnh đi học chuyển giao kỹ thuật mới ở tuyến trung ương và ngoài tỉnh. Cử từ 15 - 20 cán bộ, viên chức tuyến huyện lên tuyến tỉnh chuyển giao kỹ thuật. Kết hợp với sự hỗ trợ của các dự án như bệnh viện vệ tinh, JICA, Norred… để cử cán bộ viên chức đi đào tạo chuyển giao kỹ thuật.