Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 533/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 533/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/05/2012
Ngày có hiệu lực 07/05/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 533/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA TỔNG CÔNG TY THUỐC LÁ VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 88/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2007 về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất sản phẩm thuốc lá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, trong đó chuyển đổi mạnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu sản phẩm thuốc lá trung cao cấp, giảm tỷ trọng thuốc lá thấp cấp, giảm dần chất độc hại, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần đẩy lùi thuốc lá nhập lậu;

b) Tiếp tục xây dựng và phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là một doanh nghiệp chủ đạo trong ngành thuốc lá để thực hiện các định hướng phát triển và quản lý nhà nước đối với ngành, là đầu mối tổ chức sắp xếp ngành;

c) Phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước nhằm từng bước thay thế nhập khẩu, gắn kết khâu chế biến với phát triển vùng nguyên liệu, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội chung là xóa đói, giảm nghèo, công nghiệp hóa nông thôn và góp phần giảm nhập siêu.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát: Phát triển Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thành đơn vị kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp thuốc lá, làm đầu mối sắp xếp các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá theo chủ trương của nhà nước, thực hiện kinh doanh đa ngành theo 02 lĩnh vực chính là sản xuất thuốc lá và thực phẩm chế biến để tiến tới thành lập Tập đoàn Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Các chỉ tiêu chính: Đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.916 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn này là 2,13%/năm; tổng doanh thu đạt 34.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,55%/năm; nộp ngân sách nhà nước đạt 7.820 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,6%/năm; lợi nhuận đạt 1.200 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,68%.

- Về sản phẩm chính: Tập trung chủ yếu vào thay đổi cơ cấu sản phẩm thuốc lá, tăng tỷ trọng thuốc lá trung và cao cấp trong cơ cấu sản phẩm thuốc lá, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm đối với cả sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước và thuốc lá xuất khẩu, phấn đấu đến năm 2015 sản xuất đạt 3,504 tỷ bao thuốc lá (trong đó thuốc lá tiêu thụ trong nước lá 2,371 tỷ bao, thuốc lá xuất khẩu là 1,133 tỷ bao), với tốc độ tăng trưởng bình quân là 2,17%/năm, không còn thuốc lá không đầu lọc. Sản lượng bánh kẹo sản xuất đạt 44.416 tấn, tốc độ tăng trưởng là 2,94%/năm.

- Về xuất khẩu: Đến năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 160 triệu USD, sản lượng thuốc lá điếu xuất khẩu đạt 1.133 triệu bao, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn này là 3,94%.

- Về nguyên liệu: Phấn đấu đến năm 2015, diện tích trồng thuốc lá đạt khoảng 17.000 ha, năng suất bình quân đạt 1,8 tấn/ha.

- Số liệu chi tiết tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.

3. Danh mục đầu tư và vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015

- Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án sản xuất thuốc lá là 3.677 tỷ đồng.

- Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án chế biến thực phẩm là 4.122,35 tỷ đồng.

Danh mục các dự án đầu tư tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này.

4. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp về thị trường

- Đầu tư có chọn lọc để hình thành phát triển các sản phẩm chủ lực ở từng phân khúc, từng thị trường. Loại bỏ dần những nhãn sản phẩm nhỏ lẻ nhằm tập trung nguồn lực và thị trường cho các sản phẩm chủ lực.

- Xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường. Tổ chức nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng để có giải pháp đáp ứng nhu cầu, giữ vững và phát triển thị phần. Củng cố và tổ chức lại hệ thống phân phối hợp lý, thông qua các đầu mối lớn ở từng vùng, nắm vững thị trường bán buôn, tiến tới kiểm soát được hệ thống bán lẻ.

[...]