Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 527/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 527/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/02/2022
Ngày có hiệu lực 21/02/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 527/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 21 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI 05 NĂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, được sửa đổi, bổ sung năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 03/TTr-BCH ngày 18/01/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai 05 năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Kế hoạch), với những nội dung chủ yếu như sau (kèm theo Kế hoạch số 01/KH-BCH ngày 14/01/2022 của Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh):

1. Mục tiêu

- Giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương xảy ra trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Phấn đấu 100% cơ quan, chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “bốn tại chỗ”.

- Nâng cao khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng, chống thiên tai, nhất là bờ bao, đê bao, kè biển, kè sông,... đảm bảo an toàn với tần suất thiết kế và thích ứng với các tác động mới của thiên tai.

- Cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai được hình thành theo hướng đồng bộ, theo thời gian thực; hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai các cấp; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế - xã hội.

- Phấn đấu 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư, khu vực nguy hiểm thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất được di dời đến nơi đảm bảo an toàn.

2. Đánh giá rủi ro thiên tai

- Đánh giá cường độ của từng loại hình thiên tai điển hình tại địa phương dựa vào quy định về cấp độ rủi ro thiên tai tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Căn cứ vào số liệu thu thập các trận thiên tai lịch sử, thiên tai lớn xảy ra trong quá khứ, kết quả tính toán để đánh giá cường độ của từng loại hình thiên tai điển hình ở địa phương.

- Đánh giá tình trạng dễ tổn thương của từng đối tượng chịu tác động như: con người, nhà ở, một số ngành kinh tế chính (nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch), cơ sở hạ tầng chủ yếu (giao thông, xây dựng, điện lực, viễn thông, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, y tế, giáo dục, văn hóa). Mỗi đối tượng bị tác động bởi một hoặc nhiều loại hình thiên tai. Tình trạng dễ tổn thương của từng đối tượng được phân tích dựa vào số liệu thiệt hại thu thập được, nguy cơ bị tác động và phân thành 03 mức độ tổn thương: thấp, trung bình và cao.

- Đánh giá tổng hợp mức độ rủi ro của từng loại hình thiên tai tác động. Sử dụng bản đồ hành chính của địa phương đến cấp xã để mô tả mức độ rủi ro của từng loại hình thiên tai tác động.

3. Các biện pháp phòng, chống thiên tai

3.1. Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu

3.1.1. Biện pháp phi công trình

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai. Kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp, tăng cường năng lực quản lý thiên tai. Lập, rà soát và thực hiện các kế hoạch, quy hoạch, phương án phòng, chống thiên tai. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai cho cộng đồng.

3.1.2. Biện pháp công trình

Đầu tư, nâng cấp các khu tái định cư thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng các trường học kết hợp làm nơi tránh trú bão. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư,... góp phần ổn định sản xuất và đời sống dân cư vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Rà soát đầu tư, thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai (đê, kè,...), hệ thống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt. Xây dựng, nâng cấp các công trình đo đạc, giám sát, cảnh báo sớm thiên tai. Đầu tư các cụm loa truyền thanh cho các xã, thị trấn ven biển thuận tiện cho công tác thông tin và cảnh báo thiên tai đến địa phương. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển và ven cửa sông. Nạo vét, giải tỏa các chướng ngại vật trên các tuyến sông, luồng lạch các khu neo đậu tránh trú bão và các điểm quy hoạch bố trí neo đậu tàu thuyền.

3.2. Biện pháp ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai

- Đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác đến các cấp, các ngành và nhân dân; thông tin dự báo phải cụ thể, rõ ràng để người dân hiểu và không chủ quan; triển khai phương án dự phòng để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành khi có sự cố.

[...]