Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Quyết định 52/2005/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 52/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/10/2005
Ngày có hiệu lực 20/10/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Phan Lâm Phương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2005/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 10 tháng 10 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V "PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH HÀNH LANG KINH TẾ QUỐC LỘ 12A ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển KTXH lãnh thổ;

Căn cứ Quyết định số 1968/QĐ-UB ngày 26/8/2002 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội hành lang kinh tế Quốc lộ 12A;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 680/KHĐT-TH ngày 12/9/2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. PHẠM VI HÀNH LANG QUỐC LỘ 12A

Phạm vi quy hoạch của hành lang Quốc lộ 12A bao gồm 31 xã trên diện tích 1041,65 km2, phân bố trên 3 huyện như sau:

- Huyện Minh Hóa gồm 8 xã: Hóa Phúc, Hồng Hóa, Hóa Tiến, Yên Hóa, Trọng Hóa, Dân Hóa, Thanh Hóa và thị trấn Quy Đạt.

- Huyện Tuyên Hóa gồm 12 xã: Thạch Hóa, Phong Hóa, Nam Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa, Sơn Hóa, Đức Hóa, Lê Hóa, Đồng Hóa và thị trấn Đồng Lê.

- Huyện Quảng Trạch gồm 11 xã: Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Long, Quảng Thanh, Quảng Phong, Quảng Trường, Quảng Phương, Quảng Liên, Phù Hóa, Cảnh Hóa và thị trấn Ba Đồn.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

1. GDP tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 14 - 15%, thời kỳ 2011-2020 là 12 - 13%.

2. Cơ cấu kinh tế: Đến năm 2010 tỷ trọng nông lâm ngư chiếm: 20%; công nghiệp xây dựng: 49%; dịch vụ: 31%. Đến năm 2020 tỷ trọng nông lâm ngư chiếm 14%; công nghiệp xây dựng: 52%; dịch vụ: 34%.

3. GDP bình quân đầu người đến năm 2010: 500 - 600 USD, đến năm 2020: 1.500 - 1.800 USD.

4. Phấn đấu từ năm 2010 trở đi đạt mục tiêu: 100% số xã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; 70 - 75% trạm y tế đạt chuẩn.

- Đến năm 2020: có 45 - 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo, 100% trạm y tế đạt chuẩn, bình quân hàng năm giảm tỷ lệ sinh 0,3 - 0,4%­o, giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4% (chuẩn mới), 90 - 95% hộ nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, trên 95% số hộ được xem truyền hình và nghe đài.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC

1. Nông nghiệp và nông thôn

Tập trung phát triển nông nghiệp và nông thôn, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ nhằm khai thác tiềm năng vùng gò đồi, phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ngắn ngày phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và sản xuất hàng hóa như: Sắn, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả... theo các mô hình trang trại, vườn đồi, vườn hộ gia đình kết hợp với phát triển rau đậu, cây thực phẩm, trồng dâu nuôi tằm. Đưa các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp như: Các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, xây dựng các mô hình tiến bộ kỷ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ngân cao đời sống dân cư trong vùng.

Chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm theo hướng phát triển đàn bò, trâu, nạc hóa đàn lợn, phục vụ công nghiệp chế biến; phát triển đàn dê, giống vịt gà lai, đàn ong trong hộ gia đình.

Hướng phát triển chủ yếu trong lâm nghiệp là bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng, tăng cường khả năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, ngoài ra cần huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng, xây dựng vườn đồi, vườn rừng theo hướng nông lâm kết hợp để trồng cây nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu.

Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các sông, ao hồ bằng các mô hình và đối tượng nuôi thích hợp phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.

2. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Tập trung phát triển những ngành có lợi thế về lao động, tài nguyên trong vùng như công nghiệp sản xuất VLXD, chế biến nông lâm thuỷ sản, chú trọng phát triển công nghiệp hướng xuất khẩu, sử dụng công nghệ tiên tiến, tăng tỷ trọng chế biến sâu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Tích cực tìm kiến thị trường tiêu thụ để tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả của Nhà máy xi măng Sông Gianh, phấn đấu sau năm 2010 xây dựng Nhà máy xi măng Sông Gianh 2. Hình thành các cơ sở như: Vỏ bao xi măng, cơ khí sửa chữa phục vụ cho nhà máy xi măng. Phấn đấu đến năm 2010 hình thành và phát triển khu công nghiệp Tiến Hoá (Tuyên Hóa) và một số cụm điểm công nghiệp, làng nghề tại xã Quảng Thọ, Quảng Hoà, Quảng Phương (Quảng Trạch); Đồng Lê, Mai Hoá (Tuyên Hoá); Quy Đạt, Hồng Hóa, Hoá Tiến (Minh Hoá).

[...]