Quyết định 51/2007/QĐ-UBND Quy chế về công tác thi đua, khen thưởng do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 51/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/05/2007
Ngày có hiệu lực 10/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 51/2007/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 31 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
Theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng tại Tờ trình số 139/TT-BTĐ ngày 23 tháng 5 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về công tác thi đua, khen thưởng áp dụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

QUY CHẾ

VỀ CÔNG TÁC THI ĐUA - KHEN THƯỞNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua; đối tượng thi đua, khen thưởng; tiêu chuẩn các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng; trách nhiệm quản lý nhà nước và thẩm quyền quyết định khen thưởng của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh (gọi tắt là ngành tỉnh), Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND các địa phương), các đơn vị sự nghiệp, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế (gọi tắt là đơn vị) trong tỉnh; quy định chi tiết về hồ sơ thủ tục khen thưởng; quyền lợi và nghĩa vụ của các tập thể và cá nhân tham gia các phong trào thi đua, khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng; xử lý vi phạm về công tác thi đua, khen thưởng.

Điều 2. Đối tượng thi đua, khen thưởng

Tập thể, cá nhân trong cơ quan nhà nước; các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị lực lượng vũ trang; các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế; mọi người dân trong tỉnh, ngoài tỉnh, người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài và các tổ chức người nước ngoài đều có quyền tham gia các phong trào thi đua của tỉnh, đạt được thành tích tiêu biểu, xuất sắc hoặc có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khen thưởng theo Quy chế này.

Điều 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

1. Nguyên tắc thi đua: Trên tinh thần tự nguyện, tự giác, công khai, đoàn kết hợp tác cùng phát triển. Mọi tập thể, cá nhân được quy định tại Điều 2 của Quy chế này tham gia các phong trào thi đua đều phải đăng ký giao ước thi đua.

2. Nguyên tắc khen thưởng: Công khai, công bằng, chính xác, kịp thời, có đăng ký giao ước thi đua thì được bình xét các danh hiệu thi đua. Thành tích khen thưởng phải rõ ràng, cụ thể, đạt được ở mức độ nào thì được khen thưởng ở mức độ đó, khen thưởng đột xuất, khen thưởng công lao cống hiến không nhất thiết theo trình tự từ mức khen thấp đến mức khen cao. Mỗi hình thức khen thưởng được tặng thưởng nhiều lần cho một đối tượng.

Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể nhỏ là chính; khen thưởng các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, khen thưởng gương người tốt việc tốt, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản; người ở thành thị tình nguyện công tác phục vụ đồng bào dân tộc, phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh; các lĩnh vực trọng tâm, trọng yếu, khó khăn, độc hại, nguy hiểm, cá nhân, tập thể từ yếu kém vươn lên. Thủ trưởng cơ quan đơn vị cấp trên có trách nhiệm theo dõi, xem xét quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho cấp dưới trực tiếp, không nhất thiết cấp dưới có đề nghị mới khen thưởng. Kết hợp khen thưởng động viên tinh thần với khuyến khích bằng vật chất.

Điều 4. Trách nhiệm tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng

1. Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng là tổ chức tư vấn, Ban Thi đua - Khen thưởng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh có trách nhiệm tham mưu giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất phương pháp đổi mới công tác thi đua khen thưởng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

2. Thủ trưởng các ngành của tỉnh, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong phạm vi ngành, địa phương mình quản lý. Chủ trì phối hợp với tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức phát động phong trào thi đua thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương và của tỉnh.

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của ngành, địa phương có trách nhiệm giúp Thủ trưởng các ngành, UBND các địa phương tổ chức phát động các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng trong phạm vi ngành, địa phương; nghiên cứu, đề xuất phương pháp đổi mới công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với tình hình thực tế ở ngành, địa phương mình.

[...]