Quyết định 50/2005/QĐ-TTg thành lập và ban hành Quy chế hoạt động khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 50/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/03/2005
Ngày có hiệu lực 04/04/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 50/2005/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 3 NĂM 2005 VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG KHU KINH TẾ DUNG QUẤT, TỈNH QUẢNG NGÃI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 155-TB/TW ngày 09 tháng 9 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Thành lập khu kinh tế Dung Quất trên cơ sở khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của khu kinh tế Dung Quất.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA KHU KINH TẾ DUNG QUẤT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định hoạt động, một số chính sách và quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Dung Quất (sau đây viết tắt là KKT Dung Quất); quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại KKT Dung Quất.

Điều 2.

1. KKT Dung Quất là khu vực có ranh giới địa lý xác định thuộc lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia nhưng có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi và bình đẳng bao gồm: các khu chức năng, các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích, ổn định lâu dài và cơ chế quản lý thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khung pháp lý hiện hành và ngày càng hoàn thiện.

2. KKT Dung Quất có phạm vi diện tích khoảng 10.300 ha đất thuộc tỉnh Quảng Ngãi bao gồm các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải và một phần diện tích đất của các xã Bình Phước, Bình Hoà và Bình Phú của huyện Bình Sơn; có ranh giới địa lý được xác định như sau:

a) Phía Đông giáp biển Đông;

b) Phía Tây giáp xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi;

c) Phía Bắc giáp huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam;

d) Phía Nam giáp các xã: Bình Long, Bình Hiệp, Bình Phú, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Mục tiêu phát triển chủ yếu của KKT Dung Quất:

1. Xây dựng và phát triển KKT Dung Quất để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc dầu - hoá dầu - hoá chất, các ngành công nghiệp có quy mô lớn bao gồm: công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển, luyện cán thép, sản xuất xi măng, sản xuất container và các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu; gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai và đô thị công nghiệp - dịch vụ Vạn Tường, đô thị Dốc Sỏi.

2. Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng và phát triển KKT Dung Quất cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai để sau năm 2010, các khu kinh tế này từng bước trở thành những hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và làm động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá khu vực miền Trung và cả nước; là một đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực miền Trung và Tây Nguyên và trở thành cầu nối với thị trường Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.

3. Tạo việc làm, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong vùng; góp phần tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.

[...]