Quyết định 49/QĐ-BTP năm 2008 về chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 49/QĐ-BTP
Ngày ban hành 16/01/2008
Ngày có hiệu lực 16/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 49/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2008

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2008;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2008.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Thủ trưởng Tổ chức pháp chế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng;
- Thường vụ Đảng uỷ,  Người đứng đầu các đoàn thể cơ quan Bộ (để phối hợp);
- Trung tâm Tin học (đưa lên Cổng thông tin điện tử);
- Báo Pháp luật Việt Nam;
- Lưu: VT, TH.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2008
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Năm 2008 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 với quyết tâm của Chính phủ phấn đấu đạt các chỉ tiêu cơ bản của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010. Đối với ngành Tư pháp, năm 2008 cũng là năm bản lề trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, triển khai sâu rộng các văn bản pháp luật mới được ban hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ngành.

Đây là năm có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho Ngành phát triển, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới. Nhiệm vụ trong năm 2008 rất nặng nề, đòi hỏi toàn Ngành phải triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó cần tập trung bám sát Chương trình trọng tâm công tác của Chính phủ, của Ngành, của các Bộ, ngành liên quan và của chính quyền các cấp, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh trong các lĩnh vực công tác của Ngành, nhất là trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và thi hành án dân sự.

I. CÁC CÔNG TÁC TRỌNG TÂM CỦA NGÀNH TƯ PHÁP NĂM 2008

1. Đẩy mạnh công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

1.1. Toàn Ngành tập trung cao độ các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thẩm định VBQPPL, tạo bước đột phá về chất lượng thẩm định, góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến đất đai, xây dựng hạ tầng, đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, quyền và nghĩa vụ của công dân.

Ý kiến thẩm định phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến được chứng minh bằng những lập luận, dẫn chứng rõ ràng, đảm bảo ý kiến thẩm định có giá trị thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dự thảo văn bản. Các đơn vị được phân công thẩm định cần tập trung trí tuệ tập thể, phối hợp chặt chẽ với nhau và chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL nhằm nâng cao chất lượng thẩm định; chú trọng giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc tham mưu đề ra các quy định chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật; Thủ trưởng đơn vị được phân công chủ trì thẩm định chịu trách nhiệm về chất lượng và tiến độ thẩm định.

1.2. Tập trung kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá các VBQPPL ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Ngành Tư pháp theo Quyết định số 2892/QĐ-BTP ngày 27/12/2007 ban hành Kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, hoàn thành cuối Quý III/2008; đôn đốc và theo dõi quá trình xử lý các văn bản trái pháp luật đã được phát hiện; thí điểm việc tổng rà soát VBQPPL tại một số địa bàn (thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Gia Lai), lĩnh vực; xây dựng, báo cáo Chính phủ Đề án Tổng rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam.

1.3. Chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành.

1.4. Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, dự thảo VBQPPL mà Ngành được giao chủ trì soạn thảo theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND và UBND năm 2008, đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh phục vụ trực tiếp những mục tiêu được xác định tại Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; các văn bản liên quan đến thể chế Ngành như: Luật Thi hành án, Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật Đăng ký bất động sản, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Lý lịch tư pháp; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp, v.v...

1.5. Chú trọng công tác thẩm định dự thảo các điều ước quốc tế, góp phần đảm bảo sự tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, tạo tiền đề pháp lý vững chắc cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Tiếp tục thực hiện các hoạt động rà soát các văn bản pháp luật theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

2. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá, thực sự tạo chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội.

2.1. Tập trung giải quyết một bước căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng, hạn chế làm phát sinh việc tồn đọng mới; tiếp tục phấn đấu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong số việc có điều kiện thi hành; thực hiện đồng bộ các giải pháp, thực sự tạo chuyển biến cơ bản trên địa bàn Hà Nội, nâng cao hiệu quả thi hành án trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Cục Thi hành án dân sự tổ chức, hướng dẫn cơ quan Thi hành án dân sự địa phương tiến hành tổng rà soát các việc tồn đọng, phân tích nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, nhất là những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng vẫn chưa thi hành được; đồng thời chỉ đạo áp dụng các biện pháp giải quyết có hiệu quả các việc thi hành án tồn đọng, phấn đấu giảm 10 đến 15% số lượng việc thi hành án tồn đọng so với năm 2007.

Cơ quan Thi hành án dân sự của những địa phương có nhiều việc thi hành án dân sự tồn đọng tập trung chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm thi hành án; tranh thủ tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo thi hành án các địa phương nhằm tăng cường sự phối kết hợp trong công tác thi hành án dân sự.

2.2. Kiện toàn tổ chức, cán bộ của Cục Thi hành án dân sự và Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

[...]