Quyết định 4845/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 4845/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đỗ Minh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4845/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 01 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ KHU VỰC CÓ NGUY CƠ CAO XẢY RA LŨ ỐNG, LŨ QUÉT, SẠT LỞ ĐẤT TẠI CÁC HUYỆN MIỀN NÚI CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 4801/QĐ-UBND ngày 30/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bố trí ổn định dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 01/01/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 1574/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương chi tiết Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kết luận số 590-KL/TU ngày 08/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 230/TTr-SNN&PTNT ngày 19/11/2021 (kèm theo hồ sơ Đề án) về việc phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Việc sắp xếp, ổn định dân cư thực hiện theo thứ tự: Trước hết bố trí tái định cư xen ghép tại các khu dân cư hiện hữu trong cùng thôn (bản), xã; tiếp đến bố trí tái định cư liền kề với khu dân cư hiện hữu; sau khi thực hiện hai hình thức nêu trên, các hộ dân còn lại được bố trí tái định cư tập trung ở vị trí phù hợp, bảo đảm đến nơi ở mới có điều kiện sống, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn nơi ở cũ và ổn định lâu dài.

2. Việc sắp xếp, bố trí nơi ở mới cho các hộ dân phải bảo đảm an toàn khi có mưa lũ xảy ra, đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm các điều kiện để tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc ở địa phương, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp.

3. Việc sắp xếp, ổn định dân cư phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất của huyện; phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt của địa phương.

4. Việc sắp xếp, ổn định dân cư phải hướng tới hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trên cơ sở tôn trọng phong tục, tập quán của từng dân tộc, trên nguyên tắc tự nguyện, có sự tham gia của các hộ gia đình; bố trí xen ghép vào các điểm dân cư cũ đảm bảo tính cộng đồng và không gây ra những thay đổi lớn trong đời sống người dân ở nơi ở mới.

5. Cùng với đầu tư của Nhà nước, nguồn hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tập trung làm tốt công tác tư tưởng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư thôn, bản, các đoàn thể,… chủ động đóng góp tối đa công sức, tiền của để thực hiện di dời, xây dựng nhà ở vị trí mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường của từng hộ gia đình, dòng họ, chính quyền các địa phương để tiến hành sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đến nơi an toàn, nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và củng cố quốc phòng-an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025, sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; cụ thể:

- Giai đoạn 2021-tháng 6/2023: Sắp xếp, ổn định cho 1.675 hộ dân tại các khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo các hình thức:

+ Bố trí tái định cư xen ghép: 817 hộ/9 huyện/41 xã/122 thôn, bản.

+ Bố trí tái định cư liền kề: 443 hộ/7 huyện/15 xã/19 thôn, bản/19 khu.

[...]