Quyết định 473/QĐ-UBND về Chương trình công tác Tư pháp năm 2022 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 473/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/02/2022
Ngày có hiệu lực 17/02/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Phan Văn Đăng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 473/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 17 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2022

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022;

Thực hiện Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm của Bộ Tư pháp tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 25/TTr-STP ngày 20 tháng 01 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình công tác Tư pháp năm 2022.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Công tác phía Nam - BTP;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NCKSTTHC.Hữu

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đăng

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt và triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV; Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Tư pháp liên quan đến các lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp. Tập trung tham mưu về công tác thể chế và giải quyết các vấn đề pháp lý đảm bảo thực hiện Chiến lược phòng chống dịch bệnh Covid-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”.

2. Tập trung nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và chú trọng việc xử lý văn bản sau khi có kết luận kiểm tra. Tăng cường rà soát thường xuyên, rà soát theo lĩnh vực qua đó nhằm kịp thời phát hiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ, gây vướng mắc, ách tắc, cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức.

3. Tổ chức thi hành hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua và các Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tiến hành theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 theo Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp năm 2022. Tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật nêu tại “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn năm 2018 - 2022, tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

5. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, đề án liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo định hướng chuyển đổi số trong công tác này; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy vai trò của cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và tổng kết 10 năm thực hiện Ngày Pháp luật.

6. Đẩy mạnh công tác xây dựng ngành Tư pháp, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp, nhất là ở cấp huyện và cấp xã; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu.

7. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; chu đông kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là trong hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá tài sản; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng.

8. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Tập trung giải quyết các vấn đề quốc tịch cụ thể phát sinh trong thực tiễn. Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, nhất là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

9. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Tư pháp. Tập trung nguồn lực xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo Đề án đã được phê duyệt và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.

[...]