Quyết định 471/QĐ-UBND năm 2009 ban hành Quy chế quản lý động vật hoang dã gây nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 471/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/04/2009
Ngày có hiệu lực 17/04/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Đỗ Thế Nhữ
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 471/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 07 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ GÂY NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/6/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
Căn cứ Quyết định số 74/2008/QĐ-BNN ngày 20/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp;
Căn cứ Chỉ thị số 1284/CT-BNN-KL ngày 11/5/2007 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc tăng cường công tác Quản lý các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng và cơ sở trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã;
Căn cứ Công văn số 3270/BNN-KL, ngày 06/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi và trồng cấy nhân tạo động vật và thực vật hoang dã;
Xét đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số
138/TTr-KL ngày 01/4/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý động vật hoang dã gây nuôi trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc Công an tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp; Thủ trưởng các đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa; các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thế Nhữ

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ GÂY NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 471/QĐ-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh:

Quy chế này quy định về việc quản lý các cá thể động vật hoang dã được gây nuôi trong môi trường có kiểm soát, không áp dụng đối với các cá thể động vật hoang dã đang sinh sống trong môi trường tự nhiên (sau đây gọi là động vật hoang dã gây nuôi).

2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến việc gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đăk Nông (sau đây gọi là chủ nuôi động vật hoang dã).

Điều 2. Những hành vi bị cấm:

1. Săn bắn, bẫy bắt, mua, bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất khẩu động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã, dẫn xuất từ động vật hoang dã trái với quy định của pháp luật.

2. Nuôi động vật hoang dã không có hồ sơ quản lý hoặc nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp.

3. Nuôi động vật hoang dã không có chuồng, trại hoặc có chuồng, trại nhưng không đảm bảo các điều kiện quy định tại Quy chế này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Loài dùng để chỉ bất kỳ một loài, một phân loài hay một quần thể động vật cách biệt về mặt địa lý.

2. Loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép hai loài hoặc hai phân loài động vật với nhau.

[...]