Quyết định 47/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 47/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/09/2011
Ngày có hiệu lực 26/09/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Xuân Hoà
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 47/2011/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 16 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Thực hiện Chương trình hành động số 201-CTr/TU ngày 07 tháng 11 năm 2008 của Tỉnh ủy Ninh Thuận thực hiện Nghị quyết lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 118/TTr-SNNPTNT ngày 12 tháng 9 năm 2011 và Báo cáo kết quả thẩm định văn bản số 978/BC-STP ngày 01 tháng 9 năm 2011 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thành phố xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án, chương trình, chính sách triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hoà

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/QĐ-UBND engày 16 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

1. Mục tiêu: xây dựng Đề án để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, theo hướng:

- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường;

- Không ngừng nâng cao đời sống của nông dân và dân cư nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc;

- Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, bền vững theo hướng kinh tế hàng hoá, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, xã hội nông thôn ổn định, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn và phát triển.

- Đảm bảo tính khoa học, lôgic trong việc phân tích, nhận định, đánh giá tình hình, thực trạng các vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh;

- Đảm bảo tính khách quan trung thực của nguồn gốc báo cáo, dữ liệu, số liệu để đánh giá hiện trạng, dự báo nguồn lực và định hướng phát triển;

- Đây là Đề án tổng quát nhận định, đánh giá thực trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa bàn tỉnh và nêu lên quan điểm, mục tiêu, phương hướng và các chương trình, các công việc lớn phải làm cũng như vai trò, trách nhiệm của các cấp các ngành trong tỉnh để phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống và vị thế của người nông dân trong 10 năm tới.

3. Phương pháp xây dựng Đề án: xây dựng Đề án được tiến hành theo các phương pháp sau đây đã được sử dụng để điều tra, phân tích, đánh giá, so sánh, tổng hợp và báo cáo:

- Phương pháp tổng hợp, phân tích số liệu thứ cấp;

- Phương pháp khảo sát điều tra nhanh nông thôn;

- Phương pháp chuyên gia, hội thảo;

[...]