Quyết định 47/2009/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, Hà Nội (tỷ lệ 1/5000) do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 47/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/01/2009
Ngày có hiệu lực 30/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Thảo
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 47/2009/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG HUYỆN GIA LÂM, HÀ NỘI (TỶ LỆ 1/5000)

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/06/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2020;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 02/2005/NĐ-CP ngày 05/01/2005 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành lập phường thuộc các quận Ba Đình, Cầu Giấy và thành lập thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm;
Căn cứ Công văn số 115/TTg-CN ngày 22/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phục vụ phát triển đô thị trên địa bàn huyện Thanh Trì và Gia Lâm, Hà Nội;
Căn cứ Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/5000, được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1866/QĐ-UB ngày 18/4/ 2006;
Căn cứ công văn số 2626/BXD-KTQH ngày 31/12/2008 của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội khu vực H. Gia Lâm và H. Thanh Trì và công văn số 4948/BTNMT-KH ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc góp ý Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hà Nội (khu vực Thanh Trì và khu vực Gia Lâm);
Theo đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Tờ trình số 953/TTr -QHKT ngày 20 tháng 11 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5000 do Trung tâm Phát triển vùng SENA lập tháng 01/2008 với các nội dung chính như sau:

1. Tên công trình: Quy hoạch chung xây dựng huyện Gia Lâm tỷ lệ 1/5000.

2. Vị trí, ranh giới và quy mô nghiên cứu lập quy hoạch:

2.1. Vị trí và ranh giới:

Huyện Gia Lâm (sau khi tách quận Long Biên) nằm tại phía Đông Hà Nội, được giới hạn như sau:

- Phía Đông, Đông Bắc giáp tỉnh Bắc Ninh.

- Phía Nam, Đông Nam giáp tỉnh Hưng Yên.

- Phía Tây giáp quận Long Biên, quận Hoàng Mai.

- Phía Bắc, Tây Bắc giáp huyện Đông Anh, Hà Nội.

2.2. Quy mô:

1) Quy mô dân số

Quy mô dân số toàn huyện đến năm 2020 khoảng 323.000 người, gồm:

- Dân số khu vực đô thị khoảng 130.000 người

- Dân số khu vực ngoài đô thị khoảng 193.000 người

Trong đó lao động nông nghiệp khoảng người 16,2 ngàn người (chiếm tỷ lệ khoảng 10%) và lao động phi nông nghiệp (công nghiệp - xây dựng, dịch vụ) khoảng 145,4 ngàn người.

2) Quy mô đất đai:

a) Khu vực đô thị: có tổng diện tích khoảng 4876,58 ha, gồm:

- Diện tích khu vực đô thị: 1492,47ha (theo Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg)

- Diện tích đất phát triển đô thị và dự kiến phát triển đô thị ngoài Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg có diện tích 3384,11 ha, trong đó diện tích dự kiến phát triển là 1769,5 ha.

b) Khu vực ngoài đô thị: có diện tích 6596,41ha, gồm đất các trung tâm dịch vụ nông thôn và đất các điểm dân cư nông thôn và đất nông nghiệp còn lại.

Trong tổng số 6596,41 ha đất nêu trên, các trung tâm dịch vụ nông thôn, khu vực làng xóm hiện có kề liền và xen kẹt tại các khu vực dự kiến phát triển và phát triển đô thị với diện tích khoảng 800ha sẽ tiếp tục được đô thị hoá cùng với quá trình đầu tư xây dựng tại các khu vực dự kiến phát triển đô thị và quá trình đô thị hoá khu vực nông thôn toàn huyện

3. Nội dung quy hoạch:

3.1. Tính chất, mục tiêu:

[...]