Quyết định 465/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2015

Số hiệu 465/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/05/2011
Ngày có hiệu lực 23/05/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 465/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 23 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông báo số 94-TB/TU ngày 13 tháng 4 năm 2011 của Tỉnh ủy Kon Tum;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 607/TTr-SNV ngày 13 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQVN tỉnh và các Đoàn thể;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Công báo tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu VT-CCHC1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Hùng

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 465/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

I. MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu tổng quát.

Đến năm 2015, cơ bản xây dựng được một nền hành chính trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo sự thông thoáng trong thực hiện thủ tục hành chính nhằm thu hút các nhà đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trọng tâm của công tác cải cách hành chính là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải cách chế độ công chức, công vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ do cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp dịch vụ công cung cấp.

2. Mục tiêu cụ thể.

2.1. Đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính. Bãi bỏ hoặc đề nghị bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các thủ tục hành chính mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân. Đến năm 2015, thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, cá nhân được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; phấn đấu giảm 30% chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan hành chính nhà nước;

2.2. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp, phấn đấu đến năm 2015 giảm 1/3 thời gian giải quyết các công việc của cá nhân, tổ chức tại cơ quan hành chính nhà nước;

Cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả của cơ chế "một cửa", "cơ chế một cửa liên thông". Đến năm 2013, 100% cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" và theo mô hình thống nhất đúng quy định; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp đạt mức 65%;

2.3. Cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, huyện gọn nhẹ, hợp lý đúng theo quy định hiện hành; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực; một nhiệm vụ được phân công cho một cơ quan chịu trách nhiệm chính, không còn chồng chéo, trùng lặp; thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật và chính sách; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập;

2.4. Tiếp tục phân cấp và ủy quyền cho cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy, đảm bảo sự kiểm soát và nâng cao tính tự chủ của các ngành, các cấp. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính;

2.5. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị hành chính, sự nghiệp dịch vụ công được triển khai toàn tỉnh. Đến năm 2015, 100% các đơn vị hành chính, sự nghiệp phải thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định hiện hành; chất lượng dịch vụ công được nâng cao, nhất là trên các lĩnh vực giáo dục, y tế; sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức 65% vào năm 2015;

2.6. Đến năm 2015, 100% các cơ quan hành chính thực hiện cơ cấu công chức theo vị trí việc làm, khắc phục xong về cơ bản tình trạng công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo chức danh;

2.7. Từng bước hiện đại hóa công sở, trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc cần thiết; xây dựng trụ sở xã, phường đảm bảo yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước;

[...]