Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 463/2006/QĐ-UBND Quy định về chế độ họp trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 463/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/11/2006
Ngày có hiệu lực 07/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Hoàng Xuân Lộc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 463/2006/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 27 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ HỌP TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định chế độ họp trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 118/2004/TT-BTC ngày 08/12/2004 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Lộc

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ HỌP TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
TỈNH YÊN BÁI

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 463 /2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này điều chỉnh việc tổ chức các cuộc họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính các cấp tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện); Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã).

2. Cơ quan và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; cơ quan và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; các tổ chức tư vấn, phối hợp liên ngành do Ủy ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện thành lập.

Điều 3. Mục tiêu

Mục tiêu của Quy định này là nhằm giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp, các ngành; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc tổ chức các cuộc họp, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của thủ trương cơ quan hành chính nhà nước; đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức cuộc họp

1. Bảo đảm giải quyết công việc đúng thẩm quyền và phạm vi trách nhiệm được phân công, cấp trên không can thiệp và giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới và cấp dưới không đẩy công việc thuộc thẩm quyền của cấp mình lên cho cấp trên giải quyết.

2. Chỉ tiến hành họp khi thực sự cần thiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác quan trọng. Không dùng cuộc họp để thay cho việc ra các quyết định quản lý, điều hành.

3. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thành phần tham dự; đề cao và thực hiện nghiêm túc chế độ trách nhiệm cá nhân trong phân công và xử lý công việc, bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất, thông suốt của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước.

4. Tổ chức cuộc họp theo chương trình kế hoạch; thực hiện cải tiến, đơn giản hoá quy định thủ tục tiến hành cuộc họp; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm, không hình thức phô trương.

5. Thực hiện lồng ghép các nội dung vấn đề, công việc cần xử lý; kết hợp các loại cuộc họp với nhau trong việc tổ chức họp một cách hợp lý.

6. Hình thức, quy mô cuộc họp phù hợp với tính chất, yêu cầu và nội dung của vấn đề, công việc cần giải quyết; phù hợp với tính chất và đặc điểm về tổ chức và hoạt động của từng loại cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.

[...]