ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 46/2015/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 09 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 22/01/2003
và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số ngày
27/12/2008;
Căn cứ Nghị định 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày
17/3/2011 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010;
Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày
4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế
hoạch hóa gia đình;
Căn cứ Nghị định số 176/2013/NĐ-CP
ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
y tế;
Căn cứ Nghị quyết số 78/2013/NQ-HĐND ngày 18/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về
việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Văn bản số 1098/SYT-DSKHHGĐ ngày 26/6/2015 sau khi thống nhất với
các Sở, ngành liên quan và Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số
1046/BC-STP ngày 25/6/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách
dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và
thay thế Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 19/6/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Hà Tĩnh về quy định một số chế độ, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình
trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc các
Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các đơn vị lực
lượng vũ trang nhân dân; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Tổng
cục DS-KHHGĐ;
- Cục kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể thành viên BCĐ DS-KHHGĐ tỉnh;
- Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Hà Tĩnh;
- Đài PTTH tỉnh;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh Hà Tĩnh
(đăng tải);
- Trung tâm Công báo - Tin học (đăng tải);
- Lưu: VT, VX1.
Gửi: + Bản giấy: Thành phần không
nhận điện tử;
+ Bản điện tử: Thành phần còn lại.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Đình Sơn
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND
ngày 18 tháng 09 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng
điều chỉnh
1. Quy định này là một số chính sách,
biện pháp tổ chức thực hiện công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (sau đây viết
tắt là dân số - KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
2. Áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước,
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội -
nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và công dân
Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức,
cá nhân).
Điều 2. Trách nhiệm
của cơ quan, tổ chức trong công tác dân số - KHHGĐ
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân số - KHHGĐ.
a) Hàng năm, đưa nội dung hoạt động công
tác dân số - KHHGĐ vào chương trình hành động, kế hoạch của địa phương, đơn vị;
tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh
trên 2 con, tỷ số giới tính khi sinh theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Kết quả thực hiện công tác dân số - KHHGĐ là tiêu chí đánh
giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, là tiêu chuẩn xét thi
đua, khen thưởng, là căn cứ xây dựng quy hoạch, đề bạt cán bộ của địa phương,
đơn vị.
b) Xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế
của cơ quan, đơn vị, hương ước của khối phố, thôn, xóm, làng, bản (gọi tắt là
thôn, xóm) phù hợp với quy định của pháp luật về dân số - KHHGĐ.
c) Tạo điều kiện để các thành viên của
cơ quan, tổ chức thực hiện quy chế, quy định, hương ước, quy ước của cộng đồng
về dân số - KHHGĐ. Tổ chức cho các cặp vợ chồng và những người trong độ tuổi
sinh đẻ học tập, quán triệt, ký cam kết thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.
Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tuyên
truyền, giáo dục, vận động ký cam kết thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ khi
công dân đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã và khi làm thủ tục tiếp nhận
cán bộ tại cơ quan, đơn vị.
d) Các cơ quan chuyên trách tăng cường
các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về dân số và phát
triển, đảm bảo cho mọi người dân được cung cấp đầy đủ thông tin và dịch vụ dân
số - KHHGĐ đa dạng, chất lượng, thuận tiện, an toàn.
e) Hàng năm cơ quan,
tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện mục tiêu chính sách
dân số.
2. Lồng ghép các yếu tố dân số vào quy
hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
3. Thực hiện xã hội hóa công tác dân số
- KHHGĐ.
Điều 3. Trách nhiệm của công
dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
1. Thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng
có đủ 2 con no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
2. Mỗi cặp vợ chồng và phụ nữ trong độ
tuổi sinh đẻ lựa chọn để sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp với điều kiện kinh
tế, sức khoẻ và tâm lý.
3. Các cặp vợ chồng và phụ nữ trong độ
tuổi sinh đẻ ký cam kết thực hiện
chính sách dân số - KHHGĐ với chính quyền địa phương nơi
cư trú hoặc cơ quan nơi công tác.
4. Bảo vệ sức khoẻ, thực hiện các biện
pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình
dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác trong công tác dân số - KHHGĐ theo
quy định của pháp luật.
5. Mỗi cá nhân có trách nhiệm thực hiện
nghiêm túc, vận động người thân trong gia đình và những
người khác trong cộng đồng thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ.
Điều 4. Những trường
hợp sinh con thứ 3 không vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ
1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả
hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới
10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu
tư.
2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh
ba con trở lên.
3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh
lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở
lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một
con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã
có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không
mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung
ương xác nhận.
6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):
sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);
Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho
trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các
con hiện đang còn sống.
7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai
con trở lên trong cùng một lần sinh.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 5. Chính sách
khuyến khích
1. Đối với người thực hiện dịch vụ KHHGĐ,
nâng cao chất lượng dân số:
a) Người sử dụng biện pháp tránh thai
đặt vòng được các cơ sở y tế khám phụ
khoa, cấp dụng cụ tránh thai và một cơ số thuốc theo quy định của Bộ Y tế.
b) Người sử dụng biện pháp tránh thai
triệt sản (tự nguyện) được phẫu thuật miễn phí, được cấp một cơ số thuốc phục vụ phẫu thuật và thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng trong 12
tháng; ngoài ra còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 1.000.000 đồng để bồi dưỡng sức
khỏe.
c) Người sử dụng các biện pháp tránh thai
khác thì được hưởng các dịch vụ, các phương tiện tránh thai
theo quy định của Bộ Y tế và UBND tỉnh.
d) Khuyến khích các hoạt động nâng cao
chất lượng và cơ cấu dân số: nam, nữ trước khi kết hôn thực
hiện khám sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân; thai phụ thực hiện kỹ thuật siêu âm
sàng lọc trước sinh nhằm chẩn đoán, phát hiện sớm các
trường hợp dị tật thai nhi; trẻ sơ sinh thực hiện xét nghiệm lấy mẫu máu gót
chân để phát hiện sớm một số bệnh lý bẩm sinh được miễn phí tại các cơ sở y tế
nhà nước theo chương trình, đề án, mô hình và quy định hiện hành của Bộ Y tế,
UBND tỉnh.
e) Cơ quan dân số tỉnh, huyện, xã hàng
năm phối hợp với Hội Phụ nữ, Ngành Giáo dục và các ban ngành, đoàn thể liên
quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức các hoạt động tôn vinh,
biểu dương, khen thưởng phụ nữ sinh con một bề là gái,
thực hiện tốt KHHGĐ, xây dựng gia đình văn hóa; trẻ em gái (con của các gia
đình sinh 2 con một bề là gái) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vươn lên trở thành
con ngoan, trò giỏi.
2. Đối với Cộng tác viên Dân số -
KHHGĐ:
Cộng tác viên Dân số - KHHGĐ thực hiện
tốt các quy định về chính sách Dân số - KHHGĐ, trong một năm vận động được trên
70% chỉ tiêu số người mới đặt vòng tránh thai được giao, có xác nhận của Ban
Dân số xã, chính quyền địa phương thì được hưởng 30.000 đồng/ca; 200.000 đồng/ca
triệt sản.
Điều 6. Khen thưởng
1. Các xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu
không có người sinh con vi phạm chính sách dân số, được Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh tặng Bằng khen và được hỗ trợ kinh phí theo các mức sau:
a) Một năm, tặng Bằng khen và hỗ trợ 2.000.000
đồng.
b) Hai năm liên tục, tặng Bằng khen và
hỗ trợ 5.000.000 đồng.
c) Ba năm liên tục trở lên, tặng Bằng khen và hỗ trợ 10.000.000 đồng.
d) Năm năm liên tục trở lên, được đề nghị
Chính phủ, Bộ Y tế khen thưởng và được UBND tỉnh hỗ trợ 50.000.000 đồng để xây
dựng một công trình phúc lợi công cộng.
2. Thôn, xóm không có người sinh con vi
phạm chính sách dân số được xét để công nhận đơn vị văn hoá, được Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp huyện khen thưởng; kinh phí khen thưởng từ nguồn ngân sách huyện.
3. Những người thực hiện tốt các quy định
về chính sách Dân số - KHHGĐ và trong một năm vận động được trên 30 cặp mới
thực hiện các biện pháp tránh thai như triệt sản, đặt vòng và có xác nhận của Ban
dân số xã, chính quyền địa phương thì được đề nghị UBND tỉnh khen tặng Bằng khen.
Điều 7. Xử lý các
trường hợp vi phạm chính sách dân số - KHHGĐ
1. Các cặp vợ chồng sinh con vi phạm chính
sách dân số
a) Cán bộ, công chức, viên chức,
chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện theo các quy định hiện hành Nhà nước và
quy chế của cơ quan, đơn vị.
b) Các cặp vợ chồng, cá nhân vi phạm các
điều khoản về dân số - KHHGĐ trong hương ước, quy ước của thôn, xóm, tổ dân phố
thì bị phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thể nhân dân; kiểm điểm tại tổ
chức, đoàn thể mà người đó đang sinh hoạt, kiểm điểm trước hội nghị nhân dân; không được bình xét công nhận “Gia đình văn
hóa” trong 2 năm. Việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm
trong Hương ước, quy ước không thay thế các biện pháp xử lý
theo quy định của pháp luật.
c) Các đối tượng ngoài phạm vi điều chỉnh
tại điểm a, điểm b khoản 1 của điều này nếu vi phạm đều phải xử lý theo quy
định hiện hành của Nhà nước.
2. Các trường hợp vi phạm hành chính về
dân số - KHHGĐ xử lý theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ
quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
tại Mục 5, Điều 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86.
3. Các cơ quan, đơn vị, thôn, xóm có thành
viên sinh con vi phạm chính sách dân số thì hạ loại thi đua, không được xét để
công nhận đơn vị văn hóa.
4. Không đưa vào xem xét thi đua khen
thưởng đối với các đơn vị cấp huyện, xã không hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên do Hội đồng nhân dân cùng cấp giao hàng
năm.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm
các cấp, các ngành
1. Sở Y tế (Chi cục Dân số - KHHGĐ):
a) Chủ trì phối hợp với Cục Thống kê,
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch về công
tác dân số - KHHGĐ. Xây dựng dự toán kinh phí để tổ chức, thực hiện các chính sách
được quy định trong Quy định này.
b) Tổ chức các hoạt động giám sát, đánh
giá và công bố kết quả thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu hàng năm.
c) Phối hợp với các cơ quan thông tin
đại chúng, các ngành, đoàn thể như: Thông tin và truyền thông, Văn hoá, Thể thao
và Du Lịch, Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân...đẩy mạnh
các hoạt động truyền thông, giáo dục; cung cấp kiến thức
về dân số - KHHGĐ.
d) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các
tổ chức liên quan tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực
hiện; theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Quy
định này, định kỳ có báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ngành Y tế bố trí đủ cán bộ chuyên
môn và đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời các phương tiện, dụng cụ, thuốc men để
thực hiện tốt dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; hướng dẫn và cung cấp các biện
pháp tránh thai đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả.
3. Sở Tài chính:
Tham mưu, đề xuất HĐND, UBND tỉnh quyết
định kinh phí đồng thời phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn sử
dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện Quy định này.
4. Sở Tư pháp:
Phối hợp với Sở Y tế thực hiện tuyên truyền,
phổ biến các nội dung của Quy định.
5. Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức căn cứ chức
năng nhiệm vụ và điều kiện thực tế ban hành các quy định cụ thể về khen thưởng những
tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ, về hình thức xử lý vi
phạm chính sách dân số theo đúng pháp luật và nội dung Quy
định này; đồng thời đưa vào hương ước, quy ước của các thôn, xóm và quy chế của
cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện.
Điều 9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban,
ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh có trách
nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này./.