Nghị quyết 78/2013/NQ-HĐND tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020

Số hiệu 78/2013/NQ-HĐND
Ngày ban hành 18/12/2013
Ngày có hiệu lực 28/12/2013
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/2013/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 18 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh số 06/2003/PL-UBTVQH11 ngày 09/01/2003; Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số;

Căn cứ Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 18/2011/NĐ-CP ngày 17/3/2011 của Chính phủ sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 31/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Sau khi xem xét Tờ trình số 463/TTr-UBND ngày 05/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị phê duyệt Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014 - 2020”, với các nội dung chủ yếu:

1. Mục tiêu

Kiên trì thực hiện mục tiêu “mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con”, nỗ lực giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh trên 2 con, tiến tới đạt mức sinh thay thế, ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1. Nhiệm vụ

- Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục theo vùng, miền, nhóm đối tượng tới mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhất là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ hiểu, tự nguyện và thi đua thực hiện tốt KHHGĐ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

- Cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản, kết hợp chặt chẽ giữa công tác truyền thông với cung cấp dịch vụ nhất là ở cấp xã, phấn đấu giảm tỷ suất sinh thô xuống mức 15,65‰ năm 2015 và 12,50‰ năm 2020, số con trung bình của một bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ giảm xuống ở mức 2,3 con/bà mẹ năm 2015 và 2,1 con/bà mẹ năm 2020, quy mô dân số năm 2020 ở mức 1,6 triệu người.

- Mở rộng, triển khai có hiệu quả các hoạt động như sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân, can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, v.v... nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, phấn đấu đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh giảm xuống ở mức 109,5 bé trai/100 bé gái và 105 bé trai/100 bé gái vào năm 2020.

2.2. Các giải pháp chủ yếu

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; phải xác định đây là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân. Tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

b) Tập trung hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy.

Duy trì ổn định hệ thống tổ chức bộ máy như hiện nay, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân số tỉnh, huyện. Củng cố, ổn định tổ chức bộ máy cấp xã, bảo đảm mỗi xã có 01 cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Có chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ cấp xã, cộng tác viên cấp thôn xóm ở từng thời kỳ.

Từng bước chuẩn hóa đội ngũ cộng tác viên cấp thôn xóm; khuyến khích bố trí cộng tác viên dân số kiêm y tế thôn bản ở những địa bàn phù hợp theo hướng dẫn của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức quy hoạch, đào tạo cán bộ dân số nhất là cấp huyện, xã nhằm thực hiện tốt chức năng tham mưu và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, điều hành chương trình.

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục.

Tăng cường phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin dân số và phát triển cho lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng. Chú trọng các hoạt động truyền thông có hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, ưu tiên vùng đông dân, có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có đạo và khu công nghiệp có đông người nhập cư. Kết hợp tốt truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể; tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, truyền thông đa phương tiện.

d) Tăng cường xã hội hóa công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

[...]