QUY CHẾ
PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số
45/2015/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này xác định
nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo ngành dọc đóng trên
địa bàn tỉnh có chức năng xử lý vi phạm hành chính và Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố trong việc tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước đối với
công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng:
các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nội dung
nêu tại khoản 1 Điều này.
Điều
2. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm sự quản lý
thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong
việc chủ trì, phối hợp thực hiện tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh.
2. Phát huy tính chủ động,
tích cực và đề cao trách nhiệm của các cơ quan phối hợp trong hoạt động quản lý
Nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Việc phối hợp trên
cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tuân thủ các quy định của Quy
chế này và các quy định pháp luật có liên quan.
Điều
3. Nội dung phối hợp
1. Phối hợp trong công
tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Phối hợp trong công
tác phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính.
3. Phối hợp kiểm tra
việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4. Phối hợp thanh tra
việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
5. Phối hợp trong việc
xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính.
6. Phối hợp trong công
tác thống kê về xử lý vi phạm hành chính.
7. Phối hợp trong việc
báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Chương
II
NỘI DUNG VÀ
TRÁCH NHIỆM
Điều
4. Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
1. Các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo ngành dọc
đóng trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện các
quy định về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn
hoặc chồng chéo, mâu thuẫn phải kịp thời phản ánh về Bộ, ngành có liên quan hoặc
Sở Tư pháp.
2. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu phát hiện các quy định
về xử lý vi phạm hành chính không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng
chéo, mâu thuẫn phải kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp.
3.
Sở Tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị từ các Sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và trên các phương tiện thông tin của
địa phương; trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp
thông tin để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Bộ Tư pháp và
các Bộ, ngành có liên quan xử lý theo thẩm quyền.
Điều
5. Phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm
hành chính
1. Sở Tư pháp chủ trì,
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của
Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi
hành đến các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa
bàn tỉnh.
Phối hợp với các sở,
ban, ngành biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về xử lý
vi phạm hành chính; trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức
làm công tác quản lý, cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm
hành chính thuộc cơ quan, đơn vị.
2.
Các sở, ban, ngành có trách nhiệm phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền quản lý cho cán bộ, công chức,
viên chức trong ngành, chú trọng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực
tiếp làm công tác xử lý vi phạm hành chính, nhất là ở cấp huyện và cấp xã.
3. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn, tập
huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi
quản lý của địa phương.
Điều
6. Kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
1. Trên cơ sở theo dõi
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và trường hợp việc thi hành pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý liên ngành đang có nhiều
khó khăn, vướng mắc hoặc vụ việc phức tạp; Sở Tư pháp có trách nhiệm đề xuất,
tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định kiểm tra.
a) Quyết định kiểm tra
ghi rõ thành phần đoàn kiểm tra; thời gian, nội dung, địa điểm kiểm tra; tên cơ
quan, đơn vị được kiểm tra; trách nhiệm của đoàn kiểm tra và được gửi tới cơ
quan, đơn vị được kiểm tra trước 20 ngày để thực hiện. Chậm nhất là 15 ngày, kể
từ ngày kết thúc cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải có báo cáo kết quả kiểm
tra gửi người đã ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời gửi đến cơ
quan được kiểm tra;
b) Trường hợp trong
báo cáo kết quả kiểm tra có đề nghị cơ quan được kiểm tra xem xét, xử lý các kiến
nghị của đoàn kiểm tra, thì chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo,
cơ quan được kiểm tra phải xem xét, xử lý các kiến nghị và gửi báo cáo kết quả
đến người đã ra quyết định kiểm tra;
c) Báo cáo kết quả kiểm
tra phải có các nội dung sau đây: tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm
hành chính; kết quả đạt được; hạn chế, bất cập; khó khăn, vướng mắc, nguyên
nhân và kiến nghị, đề xuất.
2. Thủ trưởng các sở,
ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm cử người tham
gia đoàn kiểm tra theo đề nghị của Trưởng đoàn kiểm tra và phải chịu trách nhiệm
trong việc cử người của mình; thành viên đoàn kiểm tra phải thực hiện đầy đủ
các nhiệm vụ được phân công của Trưởng đoàn và phải chịu trách nhiệm về kết quả
thực hiện của mình.
Điều
7. Phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
1. Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức thanh tra theo kiến nghị của Sở Tư pháp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị
của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành
chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức
trên địa bàn tỉnh.
2. Thanh tra việc áp dụng
quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực là trách nhiệm
của các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý
Nhà nước trong lĩnh vực đó. Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc
đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh tra khi có quyết định của Ủy ban nhân
dân tỉnh; khi thực hiện việc thanh tra, phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp
luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật thanh tra.
Điều
8. Xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính
1. Trách nhiệm của Sở
Tư pháp:
a) Chủ trì, phối hợp
các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu, giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của tỉnh;
bảo đảm kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính
do Bộ Tư pháp quản lý và Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của các Bộ,
cơ quan ngang Bộ;
b) Tập huấn, hướng dẫn
nghiệp vụ về cơ sở dữ liệu cho cán bộ, công chức thuộc cơ quan của người có thẩm
quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan thi hành quyết định xử phạt, cơ quan
thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, cơ quan thi hành các
quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh.
2. Các sở, ban, ngành,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp
cung cấp, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của
tỉnh.
3. Sở Tài chính có
trách nhiệm bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất
cho việc xây dựng, duy trì, quản lý Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của
tỉnh.
Điều
9. Thống kê về xử lý vi phạm hành chính
Sở Tư pháp có trách
nhiệm phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện
việc thống kê về xử lý vi phạm hành chính theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Bộ,
ngành Trung ương nhằm tạo cơ sở để đánh giá tình hình, dự báo xu hướng vi phạm
pháp luật hành chính trong phạm vi địa phương; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp
khắc phục, hoàn thiện chính sách, pháp luật, phục vụ công tác báo cáo thi hành
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành
chính. Thông tin thống kê về xử lý vi phạm hành chính được thu thập theo quy định
pháp luật về thống kê.
Điều
10. Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
1. Báo cáo công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được tiến hành định kỳ 06 tháng
và hàng năm. Thời điểm lấy số liệu báo cáo 06 tháng tính từ ngày 01 tháng 10
năm trước đến ngày 31 tháng 3 năm sau; báo cáo hàng năm tính từ ngày 01 tháng
10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 năm sau.
2. Các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo ngành dọc
đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi
quản lý của mình về Sở Tư pháp trước ngày 10 tháng 4 đối với báo cáo 06 tháng;
trước ngày 10 tháng 10 đối với báo cáo hàng năm để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo
Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Tư pháp có trách
nhiệm tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện báo cáo công tác
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi
quản lý của địa phương và gửi Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 4 đối với báo cáo
06 tháng; trước ngày 20 tháng 10 đối với báo cáo hàng năm.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều
11. Tổ chức thực hiện
Các sở, ban, ngành thuộc
tỉnh; các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện tốt
nội dung Quy chế này.
Trong quá trình triển
khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản
ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.