Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 45/2006/QĐ-UBND về kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010 do tỉnh Bạc Liêu ban hành

Số hiệu 45/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2006
Ngày có hiệu lực 08/01/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Bùi Hồng Phương
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2006/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 29 tháng 12 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND-UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg ngày 20/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010;

Xét Tờ trình số 115/TTr-SYT ngày 28/9/2006 của Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Bạc Liêu đến năm 2010.

Điều 2. Giao Sở Y tế là cơ quan chủ trì và phối hợp cùng các Sở, Ban, Ngành có chức năng liên quan, MTTQ các tổ chức Đoàn thể, UBND các huyện, thị xã để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ Quyết định thực hiện.

Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Hồng phương

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH BẠC LIÊU ĐẾN NĂM 2010
( Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2006/QĐ-UB ngày 29/12/2006 của UBND tỉnh)

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU.

Công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao thể lực và phát triển giống nòi. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, song công tác đảm bảo chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực: Không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn, số trường hợp mắc các bệnh truyền qua thực phẩm được khống chế ở mức thấp; Hệ thống tổ chức quản lý chất lượng VSATTP được triển khai từ tỉnh đến tận xã phường; công tác xét nghiệm kiểm tra chất lượng VSATTP được củng cố, một số trang thiết bị mới được đầu tư, cán bộ xét nghiệm được đào tạo chuẩn hóa.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng VSATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ngộ độc. Công tác quản lý chất lượng VSATTP hiện đang đứng trước một số khó khăn đó là:

- Phần lớn cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, qui trình sản xuất còn thủ công;

- Ý thức người sản xuất cũng như người tiêu dùng về VSATTP còn thấp;

- Công tác phối hợp quản lý chất lượng VSATTP giữa các ngành chưa được đồng bộ, thiếu thường xuyên nên hiệu quả đạt được chưa cao;

- Một số thiết bị kiểm nghiệm thực phẩm chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay như kiểm nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, hóa chất của phẩm màu dùng trong thực phẩm...

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Bảo đảm VSATTP để phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ sinh hoạt tiêu dùng xã hội.

2. Mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể

2.1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về VSATTP của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

2.2. Phấn đấu đến năm 2010 có 90% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý lãnh đạo và 80% người tiêu dùng có hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP.

2.3. Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm VSATTP. Phấn đấu đến năm 2010 có 100% cán bộ quản lý, cán bộ kiểm nghiệm VSATTP tại tuyến tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ. 90% cán bộ làm công tác VSATTP tuyến huyện, tuyến xã được tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành, kiểm tra nhanh phát hiện ô nhiễm thực phẩm.

[...]