Điều 1.
Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với
việc thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước và của các Tổ chức tín dụng
hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cho phép làm dịch vụ
thanh toán.
2. Việc thu phí dịch vụ thanh
toán trong quan hệ thanh toán giữa Ngân hàng Nhà nước, các Tổ chức tín dụng được
phép làm dịch vụ thanh toán quốc tế với tổ chức, cá nhân hoạt động ngoài lãnh
thổ Việt Nam được thực hiện theo quy tắc và thông lệ quốc tế nếu các quy tắc và
thông lệ đó không trái pháp luật Việt Nam.
Điều 2.
Giải thích thuật ngữ
Trong Quy định này, các thuật ngữ
sau đây được hiểu như sau:
1. Ngân hàng: là Ngân hàng Nhà
nước và Tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước
cho phép làm dịch vụ thanh toán.
2. Khách hàng: là tổ chức, cá
nhân có giao dịch trực tiếp với Ngân hàng về thanh toán và chuyển tiền qua Ngân
hàng theo quy định của pháp luật hiện hành
3. Dịch vụ thanh toán qua Ngân
hàng (gọi tắt là Dịch vụ thanh toán): là công việc do Ngân hàng thực hiện theo
yêu cầu của khách hàng, nhằm phục vụ trực tiếp cho việc thanh toán và chuyển tiền
của khách hàng qua Ngân hàng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước.
4. Phí dịch vụ thanh toán: là
khoản thu của Ngân hàng đối với khách hàng có sử dụng dịch vụ thanh toán, là
giá hoặc phí thực hiện dịch vụ thanh toán chưa có thuế giá trị gia tăng.
Điều 3.
Phạm vi và thẩm quyền quy định mức thu phí dịch vụ
thanh toán
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
quy định:
a. Mức thu phí dịch vụ thanh
toán của Ngân hàng Nhà nước trong giao dịch thanh toán với các Tổ chức tín dụng
và Kho bạc Nhà nước. Mức thu phí này chỉ áp dụng đối với Tổ chức tín dụng và
Kho bạc Nhà nước (sở giao dịch, chi nhánh) mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước
và có giao dịch thanh toán trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước.
b. Mức thu phí đối với một số dịch
vụ thanh toán do Tổ chức tín dụng cung cấp cho khách hàng trong trường hợp cần
thiết, theo mục tiêu nhất định để thực hiện chính sách của Nhà nước và quản lý
hoạt động ngân hàng.
2. Tổng Giám đốc (Giám đốc) Tổ
chức tín dụng được ấn định mức thu phí của từng dịch vụ thanh toán cụ thể cung
cấp cho khách hàng (trừ dịch vụ thanh toán Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã quy
định mức thu phí) phù hợp với nội dung, điều kiện và phương thức thực hiện dịch
vụ của tổ chức mình.
Điều 4.
Tổ chức tín dụng trước khi áp dụng phải gửi Biểu phí dịch
vụ thanh toán kèm theo các tiêu chuẩn về nội dung, điều kiện và phương thức thực
hiện dịch vụ của mình cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính và Thanh
tra Ngân hàng Nhà nước) để theo dõi, đồng thời niêm yết công khai tại nơi giao
dịch để khách hàng biết.
Điều 5.
1. Ngân
hàng chỉ được thu phí theo mức đã niêm yết tại Biểu phí dịch vụ thanh toán của
mình, không được thu thêm bất kỳ một khoản tiền nào khác để thực hiện dịch vụ
thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
2. Trường hợp khách hàng chuyển
tiền bằng điện báo, TELEX hoặc qua hệ thống SWIFT để thanh toán với nước ngoài
hoặc có yêu cầu chuyển chứng từ đi trong nước và nước ngoài bằng thư bảo đảm,
qua các hãng chuyển phát nhanh thì Ngân hàng được thu thêm tiền điện phí, bưu
phí hoặc phí chuyển phát nhanh theo mức quy định của tổ chức cung cấp dịch vụ
này.
3. Ngân hàng không phải hoàn trả
lại khoản phí dịch vụ thanh toán đã thu trong trường hợp khách hàng yêu cầu hủy
bỏ dịch vụ thanh toán hoặc dịch vụ thanh toán không thực hiện được vì sai sót,
sự cố không phải do lỗi của Ngân hàng gây ra và Ngân hàng đã xử lý đúng trách
nhiệm quy định.
Điều 6.
Các loại hình dịch vụ thanh toán Ngân hàng được thu phí dịch
vụ
1. Cung ứng các phương tiện
thanh toán, gồm có: Séc, Thẻ Ngân hàng, Uỷ nhiệm thu, Uỷ nhiệm chi và các
phương tiện thanh toán khác được sử dụng để thực hiện giao dịch thanh toán qua
Ngân hàng theo quy định của chế độ thanh toán hiện hành.
2. Dịch vụ thanh toán trong nước
cho khách hàng, gồm có:
- Dịch vụ thanh toán cho các
khách hàng mở tài khoản ở khác đơn vị ngân hàng (sở giao dịch, chi nhánh);
- Chuyển tiền cấp phát kinh phí,
điều chuyển vốn;
- Chuyển tiền đến một đơn vị
ngân hàng khác để sử dụng;
- Trả lương vào tài khoản;
- Yêu cầu huỷ hoặc sửa đổi chuyển
tiền;
- Thu hộ và chi hộ trong nước;
- Các dịch vụ thanh toán khác
trong nước cho khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
3. Dịch vụ thanh toán quốc tế
cho khách hàng, gồm có:
a. Chuyển tiền ra nước ngoài (gồm
cả chuyển tiền ra nước ngoài khi thanh toán Thư tín dụng trả ngay và trả chậm);
b. Nhận tiền từ nước ngoài chuyển
đến;
c. Thu hộ và chi hộ với nước
ngoài:
- Nhờ nước ngoài thu hộ, bao gồm:
nhận, xử lý, gửi chứng từ đi nước ngoài nhờ thu và thanh toán kết quả nhờ thu;
- Hủy nhờ thu theo yêu cầu của
cá nhân hoặc đơn vị nhờ thu trong nước;
- Thu hộ nước ngoài;
- Đổi séc du lịch lấy tiền mặt
ngoại tệ.
d. Các dịch vụ thanh toán khác với
nước ngoài mà Ngân hàng được phép thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 7.
Các trường hợp Ngân hàng không được thu phí dịch vụ thanh
toán
1. Các khoản thanh toán trực tiếp
giữa khách hàng với Ngân hàng nơi mở tài khoản về trả nợ, trả lãi, trả phí dịch
vụ, trả tiền mua giấy tờ in hoặc phương tiện thanh toán.
2. Các khoản vay, trả giữa các Tổ
chức tín dụng khi tham gia thị trường liên Ngân hàng.
Điều 8.
Tính và thu thuế giá trị gia tăng khi thu phí dịch vụ
thanh toán
1. Ngân hàng Nhà nước không tính
và thu thuế giá trị gia tăng khi thu phí dịch vụ thanh toán.
2. Tổ chức tín dụng được tính và
cộng thêm thuế giá trị gia tăng khi thu phí dịch vụ thanh toán theo quy định hiện
hành của Bộ Tài chính.
Điều 9. Đơn vị thu và trả
tiền dịch vụ thanh toán
1. Đối với dịch vụ cung ứng các
phương tiện thanh toán: Ngân hàng cung ứng (bán) phương tiện thanh toán thu phí
dịch vụ từ khách hàng có nhu cầu sử dụng.
2. Đối với dịch vụ thanh toán
trong nước cho khách hàng:
a. Trường hợp thanh toán và chuyển
tiền bằng Uỷ nhiệm chi, Lệnh chuyển Có hoặc nộp tiền mặt, Ngân phiếu thanh toán
để chuyển đi: Ngân hàng phục vụ bên chuyển tiền thu phí dịch vụ thanh toán đối
với khách hàng là bên chuyển tiền;
b. Trường hợp thanh toán bằng
Séc, Uỷ nhiệm thu: Ngân hàng phục vụ bên trả tiền thu phí dịch vụ thanh toán đối
với khách hàng là bên trả tiền; Đối với Lệnh chuyển Nợ, ngân hàng phục vụ người
phát lệnh là Ngân hàng thu phí dịch vụ thanh toán đối với khách hàng là người
phát lệnh;
c. Thanh toán bù trừ trên cùng một
địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khu vực thanh toán bù trừ điện
tử: Ngân hàng Nhà nước chủ trì thanh toán bù trừ thu phí đối với Ngân hàng
thành viên trả tiền;
d. Dịch vụ nhờ thu hộ trong nước
đối với Séc, Uỷ nhiệm thu, Thương phiếu phát hành và thanh toán trong nước:
Ngân hàng phục vụ bên thụ hưởng (đơn vị thu hộ) hoặc Ngân hàng phục vụ bên đòi
tiền thu phí dịch vụ đối với người hoặc đơn vị nộp Séc, Uỷ nhiệm thu, Thương
phiếu để nhờ thu hộ.
3. Đối với dịch vụ thanh toán quốc
tế cho khách hàng:
a. Ngân hàng phục vụ bên chuyển
tiền ra nước ngoài thu phí dịch vụ chuyển tiền đối với khách hàng là bên chuyển
tiền;
b. Ngân hàng phục vụ bên thụ hưởng
thu phí dịch vụ thanh toán đối với khách hàng là bên thụ hưởng;
c. Dịch vụ nhờ nước ngoài thu hộ
Séc, tiền nước ngoài không đủ tiêu chuẩn lưu hành, bộ chứng từ cho khách hàng
trong nước: Ngân hàng phục vụ bên nộp hoặc bên đòi tiền thu phí dịch vụ thu hộ
đối với khách hàng là bên nộp hoặc bên đòi tiền về nhận, xử lý và gửi chứng từ
đi nước ngoài nhờ thu và thanh toán kết quả nhờ thu;
d. Dịch vụ thu hộ nước ngoài:
Ngân hàng phục vụ bên trả tiền thu phí dịch vụ thu hộ nước ngoài đối với khách
hàng là bên trả tiền trong nước về nhận, xử lý nhờ thu của nước ngoài và thanh
toán (chuyển tiền) trả nước ngoài.
4. Đối với dịch vụ thanh toán
khác: Ngân hàng được thoả thuận trực tiếp với khách hàng có nhu cầu sử dụng để
xác định đơn vị thu, trả phí dịch vụ thanh toán trên nguyên tắc tự nguyện và
không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên có liên quan.
Điều 10.
Cách thu, trả phí dịch vụ thanh toán giữa Ngân hàng và
khách hàng
1. Giữa Tổ chức tín dụng với
khách hàng: Tổ chức tín dụng có thể thu phí dịch vụ thanh toán theo 2 cách:
a. Thu từng lần khi Tổ chức tín
dụng thực hiện dịch vụ thanh toán: áp dụng đối với khách hàng không giao dịch
thường xuyên với Tổ chức tín dụng. Trong trường hợp này, Tổ chức tín dụng phải
trả ngay chứng từ thu phí dịch vụ cho khách hàng nộp theo quy định hiện hành;
b. Thu theo định kỳ thoả thuận bằng
hợp đồng giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng: Vào cuối định kỳ đã thoả thuận giữa
Tổ chức tín dụng và khách hàng, Tổ chức tín dụng lập Bảng kê các khoản thanh
toán của khách hàng đã thực hiện trong kỳ để làm căn cứ tính toán phí dịch vụ
thanh toán phải thu, được chủ động lập chứng từ trích tài khoản của khách hàng
để thu phí dịch vụ thanh toán và phải gửi giấy báo Nợ cho khách hàng. Nếu khách
hàng thanh toán chậm phí dịch vụ thanh toán cho Tổ chức tín dụng khi đến hạn đã
thoả thuận thì khách hàng có thể bị phạt chậm trả theo quy định của chế độ
thanh toán hiện hành.
2. Giữa Ngân hàng Nhà nước với
khách hàng là Tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước: Định kỳ hàng tháng, Ngân
hàng Nhà nước lập Bảng kê các khoản thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước của khách
hàng có giao dịch thanh toán để tính toán phí dịch vụ phải thu, được chủ động lập
chứng từ trích tài khoản tiền gửi của khách hàng để thu phí dịch vụ và phải gửi
giấy báo Nợ cho khách hàng theo quy định.
Điều 11.
Thu và trả phí dịch vụ thanh toán giữa các Tổ chức tín dụng
1. Giữa các đơn vị Tổ chức tín dụng
cùng hệ thống (sở giao dịch và chi nhánh): Việc thu và trả (điều hòa) phí dịch
vụ thanh toán giữa các đơn vị Tổ chức tín dụng cùng hệ thống do Tổng Giám đốc
(Giám đốc) Tổ chức tín dụng quy định cho hệ thống của mình.
2. Các Tổ chức tín dụng được thoả
thuận trực tiếp với nhau về việc thu, trả phí dịch vụ thanh toán đối với các
khoản thanh toán phát sinh hay tiếp nhận trực tiếp với nhau hoặc qua thanh toán
bù trừ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức (chủ trì).
Điều 12.
Đồng tiền và chứng từ sử dụng trong thu phí dịch vụ
thanh toán
1. Đồng tiền sử dụng trong thu
phí dịch vụ thanh toán:
a. Đối với dịch vụ thanh toán
trong nước thực hiện bằng đồng Việt Nam: Đồng tiền sử dụng để thanh toán phí dịch
vụ thanh toán là đồng Việt Nam;
b. Đối với dịch vụ thanh toán với
nước ngoài hoặc thanh toán trong nước được phép thực hiện bằng ngoại tệ: Khách
hàng có thể thanh toán bằng đô la Mỹ (USD) hoặc bằng đồng Việt Nam (VND) hoặc
ngoại tệ khác theo thoả thuận với Ngân hàng phục vụ mình và phù hợp với pháp luật
về quản lý ngoại hối.
2. Chứng từ sử dụng trong thu
phí dịch vụ thanh toán: Ngân hàng phải thực hiện theo quy định hiện hành của Chế
độ chứng từ kế toán Ngân hàng, Tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
ban hành.
a. Chứng từ thu phí dịch vụ
thanh toán của Ngân hàng Nhà nước không có các yếu tố về thuế;
b. Chứng từ thu phí dịch vụ
thanh toán của Tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định hiện hành của Bộ Tài
chính về hoá đơn, chứng từ giá trị gia tăng.
Điều 13.
Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định
tại Quy định này thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý
vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.