ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
4456/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 06 tháng 9 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM
2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP
ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5298/TNMT-CCBVMT ngày 29 tháng 7 năm
2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm
theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày
18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo
vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Thủ trưởng các
Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Giám đốc các cơ quan,
đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và
nội dung kế hoạch này xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thực hiện đạt hiệu
quả cao nhất các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch; Báo cáo kết quả thực hiện
định kỳ cho Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để tổng
hợp báo cáo.
Điều 3. Giao Sở Tài
nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực triển khai thực hiện Kế hoạch này,
có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo đột xuất hoặc định kỳ hàng năm về kết quả
thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và đề xuất điều chỉnh, bổ
sung những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét,
quyết định.
Điều 4. Quyết định này
có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 5. Chánh Văn phòng
Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các
Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- UBTP: CT, các PCT;
- Các Tổ chức Đoàn thể;
- VPUB: CVP, các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (ĐTMT/LHT) D.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tín
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 18 THÁNG 3 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4456 /QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2014 của
Ủy ban nhân dân Thành phố)
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP
ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố phân công nhiệm vụ cho các
Sở-ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có kế hoạch cụ thể để triển khai thực
hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố
như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Tổ chức tuyên truyền,
nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền,
cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư;
2. Tăng cường triển khai
có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; rà soát, chỉnh sửa
kịp thời những chồng chéo, bất cập trong quá trình triển khai công tác bảo vệ môi
trường;
3. Tăng cường công tác kiểm
tra, thanh tra, xử lý các vi phạm các quy
định về bảo vệ môi trường;
4. Tăng cường công tác
tổ chức, cán bộ nhằm khắc phục những yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành;
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức thực hiện công
tác bảo vệ môi trường;
5. Đưa công tác bảo vệ
môi trường lồng ghép trong công tác hoạch định các chính sách; thu hút các
nguồn lực con người, tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; huy động sức
mạnh tổng hợp của cộng đồng tham gia, giám sát pháp luật về bảo vệ môi trường.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Tăng cường công tác bảo vệ
môi trường tại các khu, cụm công nghiệp; nâng cao chất lượng thẩm định yêu cầu
bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển
a) Giao Sở Tài nguyên và Môi
trường:
- Tăng cường thanh tra, kiểm
tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu
chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; Tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ,
đột xuất đối với việc vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung.
- Kiểm tra việc xây dựng, đưa
vào vận hành hệ thống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải tập trung
đối với các cụm công nghiệp đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng.
- Chấn chỉnh, nâng cao chất
lượng hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường
đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, đặc biệt ở
khâu thẩm định; tăng cường kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi
trường, bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động phải được xác nhận hoàn
thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường.
b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu
tư:
- Rà soát và đánh giá tính thực
tiễn trong quá trình thực hiện Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm
2006 của Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm
định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,
chương trình và dự án phát triển của Chính phủ từ đó đề xuất một số giải pháp,
kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tham mưu Chính phủ sửa đổi để phù hợp với
tình hình thực tế;
- Xây dựng chính sách thu hút
ngành nghề đầu tư ít gây ô nhiễm.
c) Giao Ban Quản lý các Khu
chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao:
- Tăng cường kiểm tra việc chấp
hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp hoạt động trong khu;
Thường xuyên kiểm tra về tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trong khu.
- Thực hiện công khai thông tin
các doanh nghiệp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14
tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của
Sở Tài nguyên và Môi trường, trang thông tin của Ban Quản lý các Khu chế xuất
và công nghiệp.
d) Sở Công Thương:
Tăng cường công tác kiểm tra về
tiến độ đầu tư của các chủ dự án đầu tư cụm công nghiệp; phối hợp chặt chẽ với
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận - huyện thanh kiểm tra
công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp hoạt động tại các cụm công
nghiệp.
đ) Công an
Thành phố:
Chỉ đạo Lực
lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tăng cường công tác kiểm tra,
xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
trên địa bàn thành phố.
2. Chú
trọng bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Giao Sở Tài
nguyên và Môi trường:
- Tiến hành
kiểm tra, rà soát tất cả các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác khoáng
sản, hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời các thủ tục sau cấp phép theo quy định của
pháp luật. Đối với các trường hợp đã được cấp phép khai thác, nhưng không tiến
hành khai thác hoặc không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật,
thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi giấy phép theo điểm a, b,
c, khoản 1, Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010.
- Tiến hành kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân
trong việc thực hiện theo đúng nội dung của giấy phép khai thác khoáng sản và
các nội dung cam kết về bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi
trường đã được phê duyệt. Đối với các trường hợp không đảm bảo về các biện pháp
bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng, tùy theo mức độ, kiến nghị lên cơ
quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép và phục hồi môi trường theo quy định của
pháp luật.
- Lập danh sách các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép, thăm dò, khai
thác, đăng trên trang thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường để nhân dân
tham gia giám sát.
- Hàng năm, tiến hành rà soát, kiểm tra việc thực hiện cải tạo, phục
hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo Quyết định số
18/2013/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cải tạo,
phục hồi và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác
khoáng sản.
- Phối hợp với các Sở-ngành liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra
đột xuất, định kỳ hàng năm nhằm răn đe, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận
chuyển khoáng sản trái phép.
- Phối hợp với Sở Tài chính xem xét, đề xuất việc bố trí kinh phí cho
Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất
nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và ngăn chặn các hoạt động khai thác
khoáng sản trái phép.
- Nghiên cứu,
kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Quy chế bảo vệ môi trường
trong hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản theo tinh thần
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2013 của Chính phủ. Trong đó cần
phân định rõ chức năng, cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành Trung ương cũng như
trách nhiệm địa phương trong hoạt động kiểm tra, thanh tra hoạt động vận
chuyển, chế biến khoáng sản.
3. Tập
trung khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề
a) Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện đẩy mạnh hoạt động thu
gom, vận chuyển, xử lý chất thải ở nông thôn và nhân rộng mô hình tự xử lý chất
thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh. Phấn đấu đến năm 2015, 80% chất
thải rắn ở nông thôn được thu gom, lưu giữ, xử lý đúng quy chuẩn Việt Nam.
- Rà soát các quy định về bảo vệ môi trường và các tiêu chí công nhận
ấp nông thôn mới.
b) Giao Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực
vật đã qua sử dụng; xây dựng hệ thống lưu chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ
thực vật tại các khu vực trọng điểm và tại các xã nông thôn mới.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, gia công, sang
chai, đóng gói, mua bán thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp chính quyền địa phương
kiểm tra việc sử dụng thuốc trên đồng ruộng của nông dân.
- Tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện công tác thu gom, xử lý bao
bì thuốc trừ dịch hại, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất thải
trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu,
hết hạn sử dụng.
- Phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho Ủy ban nhân dân
các quận - huyện hiện có làng nghề, ngành nghề nông thôn đang hoạt động về quản
lý chất thải tại các làng nghề; các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
làng nghề, cơ chế chính sách ưu đãi, phương thức thực hiện trong quản lý chất thải
làng nghề.
- Thực hiện chương trình phát thanh, phóng sự về mô hình làng nghề
nông thôn, làng nghề thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất thải làng nghề.
- Đến năm 2015, xây dựng 30 mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng
rác thải sinh hoạt hữu cơ ủ phân compost cho cây trồng tại khu dân cư ngoại
thành, cung cấp 1.160 thùng thu gom rác (loại 240 lít) cho 58 xã các huyện
ngoại thành.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai
đoạn 2010-2020, phấn đấu các xã trên địa bàn vùng nông thôn thành phố đạt tiêu
chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, trong đó
có tiêu chí môi trường.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22
tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt Quy hoạch phát
triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định
hướng đến năm 2025; đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững gắn kết với việc đảm
bảo an toàn sinh học, giảm thiểu việc xả chất thải chưa xử lý ra môi trường.
Trạm Thú y các địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương có lộ trình yêu
cầu các hộ chăn nuôi nhập cư không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, gây ô nhiễm môi
trường phải di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 313/2011/QĐ-UBND ngày 20
tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt phương án quy
hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai
đoạn 2011-2015; Thông tư số 60/2009/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 9 năm 2009 và
Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
4. Chỉ đạo
quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại nội thành và
các lưu vực sông, kênh rạch ngoại thành
a) Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường:
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi
trường trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất, xây dựng và các phương
tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải thông thường, chất thải nguy hại;
kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy
chuẩn kỹ thuật về xây dựng tại các khu đô thị mới, các công trình công cộng các
cơ sở hoạt động kinh doanh, sản xuất; chỉ xây dựng sau khi đã được phê duyệt
Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Cam kết bảo vệ môi trường đối với các
công trình thuộc đối tượng phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc
Cam kết bảo vệ môi trường; Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy
định.
- Lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê
duyệt theo quy định.
- Tham mưu cho Ban Chỉ đạo xử lý cơ sở ô nhiễm và không phù hợp quy
hoạch; xây dựng lộ trình di dời đối với các cơ sở đã được phê duyệt theo quy
định.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án xử lý chất thải rắn, phân
loại chất thải rắn tại nguồn; ứng dụng phần mềm quản lý chất thải, trang bị hệ
thống GPS quản lý các phương tiện thu gom chất thải rắn thông thường, chất thải
nguy hại, bùn hầm cầu trên địa bàn thành phố.
- Điều chỉnh và hoàn thành quy hoạch quỹ đất cho công tác xử lý chất
thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải y
tế và công nghệ tái chế chất thải.
- Xây dựng đề
án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại trên địa
bàn thành phố; xây dựng mô hình thu gom chất thải nguy hại phát sinh tại cơ sở
nhỏ, lẻ nằm xen trong các khu dân cư trên địa bàn quận - huyện; tiếp tục thực
hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế đã được ban hành.
- Tiếp tục
triển khai các chương trình trọng điểm nhằm thực hiện đạt kiết quả Kế hoạch
thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI về Chương trình giảm
ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày
14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Triển khai
thực hiện các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16
tháng 01 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số
16-NQ/TM của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí
Minh đến năm 2020.
- Tăng cường
năng lực mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về quan trắc chất lượng môi trường
trên địa bàn thành phố.
- Đến năm
2015, hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nước thải tại cửa xả của
các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
b) Giao Sở
Công Thương:
- Rà soát toàn bộ hoạt động sản xuất, sang chiết, kho chứa, kinh doanh
hóa chất trên địa bàn thành phố; bắt buộc các cơ sở phải có biện pháp phòng
ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8
năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và biện pháp phòng ngừa, ứng
phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.
- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước
trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn thành phố theo quy
định; trong đó cần lưu ý đến danh mục các hóa chất độc hại, quy hoạch địa điểm,
điều kiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất; tiêu chuẩn trong xây
dựng kho xưởng hóa chất theo quy định; đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí
điểm tại Quận 5 (Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo tại Thông báo số
522/TB-VP ngày 22 tháng 7 năm 2013).
c) Giao Sở
Giao thông vận tải:
- Xây dựng kế hoạch thực hiện, đề ra các biện pháp nhằm từng bước tăng
cường kiểm soát, xử lý các nguồn thải từ các phương tiện giao thông đạt tiêu
chuẩn theo quy định.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 218/KH-SGTVT ngày 29 tháng 3 năm 2013
của Sở Giao thông vận tải về thực hiện mục tiêu “Giảm thiểu 50% ô nhiễm môi
trường và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2015”,
trong đó đề ra các chỉ tiêu cụ thể đối với từng lĩnh vực trong hoạt động vận
tải.
- Triển khai các biện pháp hạn chế lưu thông đối với phương tiện giao
thông cá nhân, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, điều tiết nhu
cầu giao thông.
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện sử dụng nhiên liệu thay thế
nhiên liệu truyền thống trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó phấn đấu
đến năm 2015 có từ 10-15% đối với phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG và
2-5% đối với phương tiện xe taxi sử dụng nhiên liệu LPG. Đầu tư thí điểm bằng
nguồn ngân sách thành phố phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu
khí hóa lỏng, xăng sinh học thay thế cho nhiên liệu truyền thống.
- Khai thác hợp lý hệ thống giao thông vận tải đường thủy, trong đó ưu
tiên thực hiện các dự án khai thông các tuyến đường thủy nội địa.
d) Giao Ủy
ban nhân dân các quận - huyện:
Tăng cường
kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh, thương mại trên địa bàn theo thẩm quyền quy định.
đ) Giao
Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố.
- Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Chương trình quốc gia về đầu tư,
xử lý nước thải, trước mắt tập trung vào các đô thị lớn và các đô thị ven sông
theo lộ trình hợp lý, bao gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch, hiệu quả quản lý
quy hoạch xây dựng; nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp giảm ngập nước,
từng bước xóa ngập trên địa bàn.
- Đảm bảo tiến độ các chương trình, dự án chống ngập trên địa bàn
thành phố: các dự án cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước; các dự án đầu tư
xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; quản lý, vận hành có hiệu quả các
Trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải.
- Đẩy mạnh thực hiện cải tạo sông, kênh rạch; nạo vét, khơi thông dòng
chảy; vớt rác kênh rạch.
- Tiếp tục triển khai các chương trình trọng điểm về thực hiện Quyết
định số 26/2011/QĐ-UB ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về
ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI về
Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011-2015.
5. Kiểm
soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu
Giao Sở Tài
nguyên và Môi trường:
- Triển khai đầy đủ nội dung của Công ước Basel về kiểm soát chất thải
xuyên biên giới và việc tiêu hủy chúng; tăng cường trao đổi thông tin, chủ động
ngăn ngừa có hiệu quả việc vận chuyển chất thải vào Việt Nam.
- Rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phế liệu được phép nhập
khẩu, căn cứ vào tình hình triển khai thực tế có văn bản góp ý về những bất cập
trong việc thực thi các quy chuẩn hiện hành, từ đó, đề nghị sửa đổi bổ sung một
số điều trong các quy chuẩn.
6. Ngăn
chặn có hiệu quả sự suy thoái của các hệ sinh thái, suy giảm các loài
a) Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường
- Xây dựng kế hoạch hành động đa dạng sinh học trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2015 và định hướng đến 2020; Lập quy hoạch bảo tồn
đa dạng sinh học cấp thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.
- Rà soát, đề
xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo
hướng quản lý thống nhất, tập trung đầu mối về bảo tồn đa dạng sinh học.
b) Giao Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của rừng và
cây xanh trong việc bảo vệ môi trường đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức đối
với việc bảo vệ rừng và cây xanh.
- Bảo vệ diện tích rừng và cây xanh thành phố: Tổ chức quản lý bảo vệ
tốt diện tích 42.492,82 ha rừng và đất rừng theo Quyết định số 4126/QĐ-UBND
ngày 14 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Phát triển diện tích rừng và cây xanh thành phố: đến năm 2020, dự
kiến toàn thành phố trồng gần 10 triệu cây xanh và trồng cây phát triển rừng
407.120 cây.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển và mua bán
lâm sản; công tác quản lý gây nuôi phát triển động vật hoang dã.
- Tăng cường công tác Phòng cháy chữa cháy rừng, góp phần bảo vệ bền
vững các hệ sinh thái rừng trên địa bàn. Kiên quyết không để xảy ra cháy 3 loại
rừng trên địa bàn thành phố.
7. Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
a) Giao Sở
Tài nguyên và Môi trường:
- Xây dựng Quy chế phối hợp hiệu quả với các Tỉnh Long An, Tỉnh Bình
Dương, Tỉnh Đồng Nai, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm kiểm soát, chia sẻ thông tin
đối với các hệ thống kênh rạch giáp ranh.
- Xây dựng Quy
chế phối hợp ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với
Đài Phát thanh Thành phố, Đài Truyền hình Thành phố xây dựng nội dung các
chương trình về bảo vệ môi trường trên sóng phát thanh, truyền hình, tiến tới
xây dựng kênh truyền hình môi trường: Tiếp tục tăng thời lượng và nội dung của
chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình hàng tuần về các chương trình
tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi
trường nước thải, khí thải, chất thải rắn... thông qua việc phản ánh thực trạng
môi trường hiện nay. Đồng thời, mở kênh thông tin góp phần tiếp nhận những ý
kiến, phản hồi của người dân về các vấn đề môi trường.
- Phối hợp Sở
Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào các
buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh thành phố.
b) Giao Sở
Nội Vụ:
- Rà soát chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan có liên quan trực
tiếp về nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo hướng phân công cụ thể trách nhiệm, tập
trung quản lý thống nhất, khắc phục sự phân tán, chồng chéo hiện nay.
- Xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy bảo vệ môi trường và đề án tăng
cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, ưu tiên cho cấp quận, huyện
... trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách về khuyến khích xã
hội hóa, thu hút nguồn lực cho bảo vệ môi trường.
c) Giao Sở
Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối
hợp Sở Tài chính nghiên cứu ưu tiên việc tăng phân bổ ngân sách từ nguồn vốn
đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường; tăng dần tỷ lệ phân bổ cho hoạt động
sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; nghiên cứu bổ
sung mục chi riêng về đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường thuộc
khu vực công ích trong Luật ngân sách nhà nước;
d) Giao Sở
Khoa học và Công nghệ:
- Xây dựng cơ
sở dữ liệu, đề xuất các giải pháp công nghệ và quản lý có hiệu quả trên cơ sở
khoa học và thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý
tài nguyên thiên nhiên tại địa bàn thành phố.
- Rà soát, bổ sung danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục
công nghệ cấm chuyển giao nhằm ngăn chặn việc chuyển giao các công nghệ, phương
tiện, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường vào nước ta. Chú ý tiêu chí về bảo vệ
môi trường đối với việc thẩm tra công nghệ khi xem xét cấp phép đầu tư;
- Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, công nghệ sạch,
tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; mô hình phát triển kinh tế xanh.
đ) Giao Ủy
ban nhân dân các quận - huyện:
Đẩy mạnh tuyên
truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi
trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
e) Giao
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước
- Nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng thoát nước, xử lý
nước thải đô thị: xây dựng hệ thống quan trắc ngập tự động (SCADA) thử nghiệm
cho lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; thử nghiệm quy trình vận hành tự động hóa cho
cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở
dữ liệu mạng lưới thoát nước trên nền số hóa.
- Phối hợp Sở
Khoa học và Công nghệ, Viện Địa lý và Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh thực
hiện dự án triển khai, lắp đặt mạng lưới quan trắc và cảnh báo ngập lụt.
- Phối hợp
Viện Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố thực hiện dự án giải
pháp tích hợp viễn thám và GIS phục vụ nhiệm vụ thoát nước, chống ngập của
Thành phố Hồ Chí Minh.
III. TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
Tổ chức quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ quan, đơn vị về mục
tiêu, yêu cầu, nội dung và những giải pháp chủ yếu của Kế hoạch này;
Xây dựng kế
hoạch cụ thể cho đơn vị mình, đưa vào chương trình công tác của đơn vị để triển
khai thực hiện.
Từ kết quả
thực hiện các nội dung của Kế hoạch này, tổ chức rà soát các chỉ tiêu chủ yếu
của ngành, đơn vị; phân tích đánh giá những mặt làm được, những khó khăn, tồn
tại, nguyên nhân và tập trung chỉ đạo điều hành, quyết tâm thực hiện các mục
tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề ra. Bám sát thực
tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt, kịp thời hoặc
kiến nghị, đề xuất cho Ủy ban nhân dân Thành phố những giải pháp chỉ đạo, điều
hành hiệu quả. Tham mưu đề xuất khen thưởng, kỷ luật nghiêm trong việc thực
hiện các nhiệm vụ được phân công.
Báo cáo kết
quả thực hiện kế hoạch, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp định kỳ trước
ngày 15 tháng 11 hàng năm.
2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo
dõi tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch này; tổng hợp báo cáo trình Ủy ban
nhân dân thành phố xem xét thông qua trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để báo cáo
Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bảo đảm cân đối kinh phí để các
Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai có hiệu quả các giải
pháp của Kế hoạch này.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các tổ chức
thành viên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương:
- Huy động sức
mạnh tổng hợp của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường; tiếp tục
đẩy mạnh các đợt phát động, chú trọng đổi mới phương thức nhằm nâng cao chất
lượng, hiệu quả các chiến dịch, phong trào, cuộc vận động cộng đồng tham gia
bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh hoạt
động giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, biện pháp, chương
trình, đề án bảo vệ môi trường; tạo điều kiện tốt nhất để nhân dân phát huy
quyền làm chủ, tự giác, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về
bảo vệ môi trường./.