Quyết định 4413/QĐ-BTP năm 2011 về Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4413/QĐ-BTP
Ngày ban hành 08/12/2011
Ngày có hiệu lực 08/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4413/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức, đoàn thể;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp (để biết);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

KẾ HOẠCH TỔNG THỂ

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4413/QĐ-BTP ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Để triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011, Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược như sau:

A. CÁC NỘI DUNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

I. GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Hoàn thiện pháp luật và chính sách về trợ giúp pháp lý

a) Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và một số văn bản hướng dẫn về các vấn đề: trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam …

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và ban hành các văn bản liên tịch; trực tiếp nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền.

- Thời gian thực hiện: Năm 2012, 2013.

b) Nghiên cứu, xây dựng các chế độ, chính sách xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý: thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo luật, cơ quan báo chí, truyền thông tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý; khuyến khích các luật sư tham gia làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; khuyến khích và hỗ trợ để các cử nhân luật mới tốt nghiệp được đào tạo thành người thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Thời gian thực hiện: Năm 2013, 2014.

c) Nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án: (1) Đề án huy động nguồn lực tài chính cho trợ giúp pháp lý; (2) Đề án huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý; (3) Đề án truyền thông về trợ giúp pháp lý; (4) Đề án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thông tin trong trợ giúp pháp lý; (5) Đề án xây dựng chế định Luật sư nhà nước.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam.

- Thời gian thực hiện: Đề án (1): năm 2013; Đề án (2): năm 2013; Đề án (3): năm 2014; Đề án (4): năm 2014; Đề án (5): năm 2015.

[...]