Quyết định 4410/QĐ-UBND năm 2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội
Số hiệu | 4410/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 11/11/2022 |
Ngày có hiệu lực | 11/11/2022 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Lê Hồng Sơn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4410/QĐ-UBND |
Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2022 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND ngày 19/11/2021 của UBND Thành phố ban hành Quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 11/01/2022 của UBND Thành phố về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 983/TTr-SGTVT ngày 19/10/2022 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 3337/TTr-SNV ngày 31/10/2022 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (sau đây gọi tắt là Ban Duy tu) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định; có trụ sở và hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo chi thường xuyên từ các nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật.
2. Ban Duy tu có chức năng thực hiện công tác quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, quản lý, duy tu, bảo trì, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trong đô thị và ngoài đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Giao thông vận tải quản lý, gồm: đường bộ; cầu đường bộ; cầu vượt; hè phố; đường phố; dải phân cách; hệ thống báo hiệu đường bộ; đèn tín hiệu điều khiển giao thông; hệ thống quản lý và giám sát giao thông; trạm kiểm tra tải trọng xe; cầu và hầm dành cho người đi bộ; hầm cơ giới đường bộ; hệ thống thoát nước trên các tuyến đường vành đai trên cao, đường cao tốc, đường quốc lộ, đường tỉnh khu vực ngoại thành; hành lang an toàn đường bộ; kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa: luồng chạy tàu thuyền, cảng thủy nội địa, hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng; công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm đường bộ giao cắt với đường sắt do thành phố Hà Nội quản lý và các nhiệm vụ khác do UBND Thành phố và Sở Giao thông vận tải giao.
1. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa
a) Tổ chức thực hiện quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông do UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải quản lý tài sản: lập, quản lý hồ sơ, mở sổ và thực hiện kế toán, hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.
b) Thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa (từ bước đề xuất chủ trương thực hiện đến bước kết thúc, thanh lý hợp đồng) được Sở Giao thông vận tải giao, gồm: Tổ chức khảo sát, đề xuất chủ trương thực hiện, lập kế hoạch, dự toán, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục có liên quan, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt; là bên mời thầu triển khai tổ chức lựa chọn nhà thầu; thương thảo, ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng, tổ chức thực hiện tuần kiểm, giám sát, nghiệm thu, quản lý chất lượng, tạm ứng, thanh quyết toán vốn, thanh lý hợp đồng thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác, duy tu, bảo dường thường xuyên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phát hiện kịp thời và đề xuất các giải pháp không để xảy ra mất an toàn giao thông do nguyên nhân về kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng các quy định hiện hành.
c) Tổ chức thực hiện hoạt động tuần kiểm đường bộ đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý theo đúng quy định.
d) Quản lý, thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế (từ bước chuẩn bị dự án đến khi kết thúc dự án), tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) giao, gồm: khảo sát, lập kế hoạch, danh mục kiểm định, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được giao quản lý, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt; lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án; là bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu; thương thảo, ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng; tổ chức quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng, nghiệm thu; tạm ứng, thanh quyết toán vốn; bàn giao đưa vào sử dụng; thanh lý hợp đồng... các dự án theo đúng các quy định hiện hành.
đ) Đề xuất, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động, phương án, giải pháp để: đảm bảo an toàn, duy trì tuổi thọ công trình giao thông; phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông và có các biện pháp kịp thời để bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được giao quản lý theo quy định; tổ chức giao thông, đảm bảo an toàn giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.
e) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được giao quản lý.
g) Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác phân loại, điều chỉnh hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, các đường khác và công bố tải trọng, khổ giới hạn của cầu, đường bộ theo nhiệm vụ được UBND Thành phố, Sở Giao thông vận tải giao.
h) Phản ánh tình hình các sự cố về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, sự cố mất an toàn giao thông để người tham gia giao thông được biết qua kênh thông tin như: VOV giao thông, các cơ quan báo chí, truyền thông và các ứng dụng công nghệ thông tin khác.
i) Đề xuất, tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
k) Đề xuất xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy trình quản lý, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
2. Giúp Sở Giao thông vận tải tổ chức quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công, dự án PPP và các dự án sử dụng nguồn vốn hợp pháp khác thuộc lĩnh vực giao thông vận tải (từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc dự án) do UBND Thành phố và Sở Giao thông vận tải giao.
a) Tổ chức lập, lựa chọn, ký hợp đồng với đơn vị tư vấn (nếu có), để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công do Sở Giao thông vận tải giao nhiệm vụ.
b) Tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án; là bên mời thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu; thương thảo, ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng; tổ chức quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh quyết toán vốn; bàn giao đưa vào sử dụng, thanh lý hợp đồng các dự án đầu tư xây dựng, dự án có sử dụng đất, dự án công nghệ thông tin thuộc lĩnh vực giao thông vận tải do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác được UBND Thành phố và Sở Giao thông vận tải giao theo đúng các quy định hiện hành.