BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4339/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 09 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI TỔ CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM
COVID-19 TẠI CỘNG ĐỒNG
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số
75/2017/NĐ - CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh
truyền nhiễm ngày 21/11/2007;
Căn cứ Quyết định số
447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch
COVID-19;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn triển khai Tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các
Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ,
Cục thuộc Bộ Y tế; Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc
Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và thủ trưởng
các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo)
- Bộ trưởng (để báo cáo):
- Các Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- UBND các cấp (để tổ chức thực hiện);
- Cổng TTĐT Bộ Y tế;
- Lưu: VT, PC, AIDS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trường Sơn
|
HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI TỔ CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM COVID-19 TẠI CỘNG
ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4339/QĐ-BYT ngày 10 tháng 9 năm 2021 của
Bộ trưởng Bộ Y tế)
1. Phạm
vi và chức năng:
“Tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng” dành cho những địa phương có triển khai quản lý, chăm
sóc người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà. Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng
đồng do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã thành lập, trực thuộc UBND cấp xã, chịu sự
điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn y tế của trạm y tế cấp xã hoặc trạm y
tế lưu động trên địa bàn.
Tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng có chức năng quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị người
nhiễm COVID-19 tại nhà, triển khai xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại cộng đồng; hỗ
trợ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19; tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 tại
cộng đồng và các nhiệm vụ khác được giao.
2. Nhiệm
vụ:
2.1. Quản lý, theo dõi, hướng
dẫn và hỗ trợ chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà
- Quản lý chặt chẽ danh sách
người nhiễm COVID-19 trên địa bàn, danh sách người nhiễm COVID-19 cách ly tại
nhà được phân công chăm sóc;
- Cấp phát thuốc cho các trường
hợp nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà;
- Hướng dẫn, tư vấn, theo dõi sức
khỏe ít nhất 2 lần/ngày và hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà theo hướng
dẫn của Bộ Y tế:
+ Các chỉ số cần theo dõi: Nhịp
thở, nhiệt độ, mạch, huyết áp, SpO2 máu;
+ Một số triệu chứng: Mệt mỏi,
ho, ho ra đờm, ớn lạnh hoặc gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu
giác, khó thở, đau tức ngực thường xuyên, bó thắt ngực, lú lẫn, lơ mơ, mệt lả,
li bì, co giật, tím môi, tím đầu chi...;
- Thường xuyên giữ liên lạc với
các trường hợp F0 được giao để kịp thời tiếp nhận thông tin về diễn biến bệnh.
Phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng hơn, phối hợp
với trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động hoặc đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ về
y tế và chuyển người nhiễm COVID-19 đến bệnh viện;
- Tư vấn cho người nhiễm
COVID-19 về dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, ổn định tâm lý của người nhiễm
COVID-19 để tăng khả năng chống đỡ với bệnh;
- Hướng dẫn phòng lây nhiễm
COVID-19 trong gia đình, bảo đảm chăm sóc an toàn, không để xảy ra lây nhiễm
cho người cùng sống trong gia đình và cho cộng đồng xung quanh;
- Hàng ngày báo cáo trạm y tế cấp
xã hoặc trạm y tế lưu động về tình hình sức khoẻ F0 được giao quản lý trên địa
bàn.
2.2. Thực hiện xét nghiệm nhanh
COVID-19 tại cộng đồng
- Tiến hành lấy mẫu hoặc hướng
dẫn cho người dân tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 tại nhà;
- Thông báo trả kết quả xét
nghiệm COVID-19, khi có kết quả xét nghiệm dương tính, phối hợp với trạm y tế
xã hoặc trạm y tế lưu động để sàng lọc để cách ly tại nhà các trường hợp đủ điều
kiện; các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở
cách ly tập trung theo quy định.
2.3. Tiêm chủng vắc-xin
phòng, chống COVID-19
- Quản lý danh sách người cần
tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên địa bàn;
- Thực hiện tiêm chủng phòng
COVID-19 ngay tại nhà hoặc phối hợp với trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động,
các đơn vị chức năng khác tổ chức tiêm chủng cho người dân trên địa bàn được
giao;
- Hỗ trợ theo dõi các phản ứng
sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19; sơ cấp cứu và báo trạm y tế cấp xã, trạm y tế
lưu động chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng
COVID-19.
2.4. Truyền thông, vận động
về phòng, chống COVID-19
- Tuyên truyền, phổ biến các biện
pháp dự phòng, tự xét nghiệm COVID-19, tự chăm sóc tại nhà, tự phát hiện các
triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19; lợi ích, những điểm cần biết trước, trong và
sau khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19, vận động người dân đi tiêm chủng;
- Cung cấp cho các hộ gia đình
thông tin về các điểm cung cấp dịch vụ y tế và các điểm hỗ trợ an sinh xã hội
trên địa bàn xã/phường;
- Hướng dẫn, vận động người dân
tự khai báo y tế; báo cho trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động những trường
hợp có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 để có biện pháp xét nghiệm và xử trí kịp thời.
2.5. Hỗ trợ cấp phát thuốc
các bệnh mạn tính của người dân trên địa bàn khi được yêu cầu.
3. Tổ chức
và nhân lực Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng
Mỗi tổ dân phố, thôn, xóm, ấp,
khu dân cư (dưới cấp xã), tòa nhà hoặc cụm nhà cao tầng (gọi chung là Tổ dân
cư) có tổ chức cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà có thể thành lập
một hoặc nhiều Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng; mỗi Tổ có thể
chăm sóc tại nhà cho khoảng 10-20 người nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà.
Mỗi Tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng có ít nhất 03 người. Tổ trưởng Tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân cư hoặc Trưởng ban quản
lý tòa nhà, khu chung cư. Tổ phó Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng
là 01 nhân viên y tế được huy động từ trạm y tế cấp xã hoặc nhân viên y tế khu
phố, thôn, ấp, nhân viên y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, nhân viên y
tế tình nguyện hoặc nhân viên y tế huy động từ các địa phương khác.
Các thành viên khác của Tổ chăm
sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng là những người đang sinh sống trong tổ
dân cư, chọn những người nhiệt tình, nắm vững địa bàn và có sức khỏe tốt. Các
thành viên có thể huy động từ các tổ chức, đoàn thể xã hội trên địa bàn như:
Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội chữ thập đỏ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân,
Doanh nghiệp xã hội, Tổ chức dựa vào cộng đồng và những người từng mắc COVID-19
nay đã khỏi…
Những người tham gia Tổ chăm
sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng
COVID-19, trừ những người đã nhiễm COVID-19.
4. Trang
thiết bị
- Một số trang thiết bị y tế
thiết yếu, gồm nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2;
- Túi Oxy lưu động và các phụ
kiện phục vụ thở oxy tại nhà;
- Sinh phẩm xét nghiệm nhanh
COVID-19 hoặc bộ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR, phương tiện, dụng cụ tiêm vắc
xin phòng COVID-19 tại nhà (nếu được giao nhiệm vụ);
- Tài liệu truyền thông về
COVID-19 và các tài liệu hướng dẫn chuyên môn phù hợp;
- Phương tiện bảo hộ cá nhân;
- Điện thoại liên lạc (Mỗi tổ
có một số điện thoại riêng và trực điện thoại 24/7).
5. Trách
nhiệm thực hiện
5.1 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
và cấp huyện
- Chỉ đạo các UBND cấp xã có dịch
COVID-19 triển khai Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng tại các khu
vực có tổ chức tổ cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà;
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan
huy động các nguồn lực tài chính và cơ chế sử dụng tài chính để hỗ trợ kinh phí
cho các Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hoạt động.
5.2. Sở Y tế các tỉnh, thành
phố
- Hướng dẫn, giám sát việc triển
khai Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh;
- Kịp thời tổng hợp báo cáo, đề
xuất, tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố bổ sung, điều
chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng chống dịch tại địa
phương.
5.3. Trung tâm Y tế cấp huyện
- Tổ chức hướng dẫn, tập huấn,
hỗ trợ chuyên môn cho nhân viên tham gia các Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại
cộng đồng khi cần thiết;
- Hỗ trợ trang thiết bị, thuốc,
sinh phẩm, vật tư để Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng triển khai
các nhiệm vụ được giao.
5.3. Ủy ban nhân dân cấp xã
Chịu trách nhiệm thành lập các
Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi và tổ
chức hoạt động theo Hướng dẫn này.
5.4. Trạm y tế cấp xã, trạm
y tế lưu động trên địa bàn
- Trực tiếp quản lý, phân công,
kiểm tra, giám sát và hỗ trợ Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng thực
hiện các nhiệm vụ được giao;
- Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ
chuyên môn kỹ thuật cho Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng;
- Phối hợp với Tổ chăm sóc người
nhiễm COVID-19 tại cộng đồng theo dõi sức khỏe, hỗ trợ điều trị cho các trường
hợp F0 tại nhà;
- Phối hợp với Tổ chăm sóc người
nhiễm COVID-19 tại cộng đồng quản lý, theo dõi các trường hợp F0 tự cách ly tại
nhà và hoàn thành cách ly tại nhà sau khi khỏi bệnh.
5.5. Tổ chăm sóc người nhiễm
COVID-19 tại cộng đồng
Thực hiện các nhiệm vụ theo quy
định tại Mục 2 của Hướng dẫn này./.