Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 429/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 429/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/04/2012
Ngày có hiệu lực 12/04/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 429/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH, KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN 5 NĂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 CỦA TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Kết luận số 78-KL/TW ngày 26 tháng 7 năm 2010 của Bộ Chính trị về kết quả kiểm tra thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và về Đề án tiếp tục củng cố, phát huy vai trò của Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phát triển Tập đoàn Dệt May Việt Nam thành đơn vị kinh tế vững mạnh, là đơn vị nòng cốt của ngành Dệt May Việt Nam, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, đạt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng trong nước ngày càng cao, tạo nhiều việc làm cho xã hội, đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Các mục tiêu chính trong giai đoạn 2011 - 2015

Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 28.144 tỷ đồng; doanh thu không VAT đạt 53.858 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.865 triệu đô la Mỹ và lợi nhuận trước thuế đạt 2.434,3 tỷ đồng (xem chi tiết Phụ lục I).

2. Định hướng, mục tiêu đầu tư các dự án giai đoạn 2011 - 2015

Các dự án dự kiến đầu tư mới và các dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2011 - 2015 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục bám sát 03 chương trình mục tiêu chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tăng năng lực sản xuất của Tập đoàn, chiếm lĩnh thị trường nội địa, từng bước nâng cao sức cạnh tranh trên trường guốc tế, góp phần xác lập vị thế của ngành Dệt May Việt Nam.

Danh mục các dự án đầu tư trọng điểm và Tổng hợp nguồn vốn đầu tư các dự án giai đoạn 2011 - 2015 (xem chi tiết Phụ lục II).

3. Các giải pháp thực hiện

a) Giải pháp chiến lược

Triển khai thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn và các đơn vị thành viên chưa cổ phần hóa ngay trong năm 2012 nhằm thu hút thêm vốn đầu tư.

- Mở rộng vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may, đặc biệt là chương trình phát triển cây bông vải đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Phấn đấu diện tích trồng bông đạt 50.000 ha vào năm 2015, trong đó bông có tưới là 10.000 ha. Năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha, bông có tưới là 2 tấn/ha. Sản lượng bông xơ đạt 35 - 40 ngàn tấn.

- Tăng cường đánh giá, kiểm tra hiệu quả sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư, của các đơn vị thành viên. Tiến hành giải thể, sáp nhập các đơn vị hoạt động không có hiệu quả.

- Hoàn thiện quy chế chuẩn hóa bộ phận kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp Tập đoàn giữ cổ phần chi phối.

b) Công tác thị trường

- Cân bằng và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng (Sợi - Dệt - Nhuộm hoàn tất - May) nhằm tăng sức cạnh tranh của Tập đoàn và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, sẵn sàng đón nhận xu thế dịch chuyển sản xuất dệt may từ Trung Quốc và châu Âu sang các nước ASEAN.

- Nâng cao chất lượng các bộ phận nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự báo các diễn biến kinh tế - xã hội, các đối thủ cạnh tranh để từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn.

- Tăng tỷ lệ nội địa hóa hàng dệt may của Tập đoàn, từng bước chuyển từ hình thức gia công sang chủ động sản xuất hàng FOB, ODM. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ giá trị thiết kế ODM đạt 10%.

- Xây dựng các chiến lược phát triển riêng biệt cho thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung phát triển thương hiệu Vinatex cùng các thương hiệu thời trang của các đơn vị thành viên như Việt Tiến, San Sciaro, Mattana,… nhằm chiếm lĩnh thị phần nội địa, tiến tới phát triển ra thị trường quốc tế.

[...]