Quyết định 428/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 428/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/03/2016
Ngày có hiệu lực 18/03/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 428/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực;

Xét Tờ trình số 13649/TTr-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2015, Công văn số 1703/BCT-TCNL ngày 29 tháng 02 năm 2016 của Bộ Công Thương và ý kiến của các Bộ, ngành về Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) với các nội dung chính sau đây:

1. Quan Điểm phát triển:

a) Phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.

b) Sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp trong nước, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Ưu tiên phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, tạo đột phá trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiu tác động tiêu cực tới môi trường trong sản xuất điện.

c) Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện trên cơ sở các nguồn lực và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện đầu tư cân đối giữa phát triển nguồn điện và nhu cầu điện giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền.

d) Phát triển lưới truyền tải 220 kV, 500 kV trong hệ thống điện quốc gia nhằm bảo đảm truyền tải điện từ các trung tâm điện lực tới các trung tâm phụ tải một cách an toàn, tin cậy và kinh tế; đồng thời chú trọng phát triển các nguồn điện nhỏ sử dụng năng lượng tái tạo đấu nối với lưới điện phân phối, góp phần giảm tổn thất điện năng.

đ) Từng bước nâng cao chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao. Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích đầu tư phát triển ngành điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và có hiệu quả.

e) Phát triển thị trường điện lực cạnh tranh theo đúng lộ trình nhằm đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo có tỷ lệ cao.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân Khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030:

+ Điện thương phẩm: Năm 2020 Khoảng 235 - 245 tỷ kWh; năm 2025 Khoảng 352 - 379 tỷ kWh; năm 2030 Khoảng 506 - 559 tỷ kWh.

+ Điện sản xuất và nhập khẩu: Năm 2020 Khoảng 265 - 278 tỷ kWh; năm 2025 Khoảng 400 - 431 tỷ kWh và năm 2030 Khoảng 572 - 632 tỷ kWh.

- Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt Khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.

- Xây dựng hệ thống lưới điện vận hành linh hoạt, khả năng tự động hóa cao từ khâu truyền tải đến khâu phân phối; thực hiện phát triển các trạm biến áp không người trực và bán người trực để nâng cao năng suất lao động ngành điện.

- Đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng điện.

3. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia:

a) Quy hoạch phát triển nguồn điện:

[...]