Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 423/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 423/QĐ-TTg
Ngày ban hành 11/04/2012
Ngày có hiệu lực 11/04/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 423/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cá nước, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực.

2. Phát huy nội lực kết hợp với việc tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cân đối, hài hòa giữa chiều sâu và chiều rộng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước; sớm đưa tỉnh Sóc Trăng tiến kịp nhịp độ phát triển chung của cả nước.

3. Khai thác lợi thế về biển để phát triển mạnh kinh tế ven biển và kinh tế biển làm động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đổi mới về chính sách quản lý, cải cách hành chính, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng tạo điều kiện thu hút đầu tư nhất là các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao.

4. Phát triển kinh tế gắn với phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa những ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng Sóc Trăng trở thành một tỉnh có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; từng bước tiến kịp với quá trình phát triển chung của cả nước; có nền quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Phấn đấu đến năm 2020, Sóc Trăng trở thành tỉnh có thu nhập vào loại khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Đến năm 2015: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,5 - 13%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 1.800 USD; tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng chiếm 39,6% - 25,1% - 35,3%; cơ cấu lao động theo các khu vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ đạt 46% - 21,1% - 32,9%; kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD.

- Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,5 - 12%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 3.300 USD; tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu GDP tương ứng chiếm 28% - 34,2% - 37,8%; cơ cấu lao động theo các khu vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ đạt 36% - 30,4% - 33,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân trên 10%/năm.

b) Về xã hội

- Đến năm 2015: Giảm tỷ lệ sinh hàng năm xuống 1,3%, quy mô dân số khoảng 1,38 - 1,39 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 51%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 46%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 14,5%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia chiếm 50%; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 80%, tiểu học đạt 99,5%, trung học cơ sở đạt 95% và trung học phổ thông đạt 65%; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%.

- Đến năm 2020: Giảm tỷ lệ sinh hàng năm xuống 1,1%, quy mô dân số khoảng 1,45 - 1,46 triệu người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 55%; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 36%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 10%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia chiếm 75%; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 97%, đến trường trung học phổ thông đạt 85%;

c) Về môi trường

- Đến năm 2015: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 5%; tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường đối với chất thải nguy hại, chất thải y tế đạt 100%; thu gom và xử lý đối với các loại chất thải rắn đạt trên 40%.

- Đến năm 2020: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 5,5%; tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý đối với các loại chất thải rắn đạt trên 80%; 100% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

[...]