Quyết định 422/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 422/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/02/2018
Ngày có hiệu lực 27/02/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Kim Ngọc Thái
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 422/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 27 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU MÍA TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 639/QĐ-BNN-KH ngày 02 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 62/TTr-SNN ngày 07 tháng 02 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch ngành nông nghiệp và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch các ngành có liên quan đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện hội nhập.

2. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển mía đường phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, phát triển mía đường trên cơ sở nâng cao công suất của nhà máy đường sử dụng công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến nhằm đạt được lợi thế về quy mô nhưng phải phù hợp với tiềm năng của vùng nguyên liệu. Đầu tư phát triển đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu, chế biến đường, các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường gắn với với thị trường tiêu thụ; tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành đường, ứng phó với tác động của hội nhập.

3. Điều chỉnh Quy hoạch phát triển mía đường phải dựa trên cơ sở sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, ổn định diện tích vùng nguyên liệu đã có; hình thành các vùng nguyên liệu mía tập trung tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào thâm canh sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nhằm phục vụ công nghiệp chế biến, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người trồng mía và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát: Điều chỉnh Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía trên cơ sở rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu đã được phê duyệt theo Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 28/3/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhằm khai thác có hiệu quả diện tích đất có khả năng trồng mía để cung ứng nguyên liệu ổn định cho Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh và các nhà máy đường lân cận trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020

- Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; Đến năm 2020 tổng diện tích trồng mía nguyên liệu khoảng 5.800 ha, trong đó vùng tập trung là 5.700 ha, năng suất mía nguyên liệu bình quân đạt 129 tấn/ha, chữ đường bình quân 10,5 CCS, sản lượng mía đạt 746,36 ngàn tấn, công suất nhà máy đường (Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh) 5.000 tấn mía cây/ngày.

- Giá trị sản xuất mía (theo giá cố định 2010) đến năm 2020 đạt 531 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 6,08%/năm; theo giá hiện hành đạt khoảng 862 tỷ đồng, tốc độ tăng giai đoạn 2017 - 2020 đạt 11,34%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên hecta đất trồng mía là 149 triệu đồng (tăng 49 triệu đồng so với năm 2016).

b) Đến năm 2030

- Đầu tư thâm canh diện tích mía hiện có, mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện theo hướng: Trồng giống mía mới, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến và đầu tư hệ thống tưới hiện đại. Đến năm 2030 tổng diện tích trồng mía nguyên liệu khoảng 5.800 ha, trong đó vùng tập trung là 5.700 ha, năng suất mía nguyên liệu bình quân đạt 130 - 140 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 CCS, sản lượng mía đạt 811 ngàn tấn, công suất Công ty đường 5.000 - 6.000 tấn mía cây/ngày.

- Giá trị sản xuất mía (theo giá cố định 2010) đến năm 2030 đạt 577 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 1%/năm; theo giá hiện hành đạt khoảng 937 tỷ đồng, tốc độ tăng giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 1%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên hecta đất trồng mía là 162 triệu đồng (tăng 13 triệu đồng so với năm 2020).

(Chi tiết có Phụ lục 01 đính kèm)

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT

1. Huyện Trà Cú

- Diện tích quy hoạch sản xuất mía nguyên liệu của huyện Trà Cú đến năm 2020 và ổn định diện tích đến năm 2030 là 4.500 ha, tương đương so với năm 2015.

[...]