QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC
BẢO VỆ THỰC VẬT
(Kèm theo Quyết định số 413/QĐ-CTUBND ngày 12/3/2012 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Chi cục Bảo vệ thực vật là cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có
chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực
hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh bảo vệ thực vật, kiểm
dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh trong
phạm vi thẩm quyền của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Ủy
ban nhân dân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.
2. Chi cục Bảo vệ thực vật có tư cách
pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực
tiếp và toàn diện về tổ chức, biên chế và công tác của Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn
nghiệp vụ của Cục Bảo vệ thực vật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc ban
hành theo thẩm quyền:
a. Dự thảo các quyết định, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm; cơ chế,
chính sách, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, kiểm dịch thực vật và quản lý
thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh;
b. Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền
ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy
trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý
được giao;
c. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn kỹ thuật,
quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt;
d. Dự thảo quy định về chức năng, nhiệm vụ
và cơ cấu tổ chức của Chi cục.
2. Trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các
văn bản cá biệt, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành, lĩnh vực
công tác của Chi cục.
3. Về công tác bảo vệ thực vật:
a. Thực hiện điều tra, phát hiện, dự
tính, dự báo về khả năng, thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của
sinh vật gây hại trên cây trồng (tập trung các loại cây trồng chính); thông báo
kịp thời tình hình diễn biến của sinh vật gây hại;
b. Tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền và
hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ, khống chế, dập tắt và khắc phục hậu
quả sâu bệnh gây hại tài nguyên thực vật;
c. Tổ chức phối hợp với các địa phương phòng,
chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh thực vật; phòng, chống, khắc phục hậu quả
thiên tai, sâu bệnh, dịch bệnh đối với sản xuất cây trồng;
d. Phối hợp thực hiện công tác khuyến
nông về bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.
4. Về công tác kiểm dịch thực vật:
a. Điều tra, theo dõi, giám sát, quản lý
sinh vật gây hại thuộc diện điều chỉnh đối với giống cây trồng nhập nội và sản
phẩm thực vật bảo quản trong kho trên địa bàn tỉnh; thực hiện các biện pháp xử
lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, vật thể bị nhiễm dịch bệnh theo quy định;
b. Quản lý, hướng dẫn việc sử dụng sinh vật
có ích nhập nội trên địa bàn tỉnh;
c. Điều tra các giống cây trồng sau nhập
khẩu, báo cáo đề xuất xử lý nhằm ngăn chặn sự lây lan đối tượng kiểm dịch thực
vật và sinh vật gây hại mới xuất hiện nhưng nguy hiểm trong phạm vi toàn tỉnh;
d. Thực hiện công tác kiểm dịch và cấp giấy
chứng nhận kiểm dịch thực vật nội địa trên địa bàn tỉnh theo quy định;
đ. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng,
hướng dẫn phương pháp phát hiện, nhận biết đối tượng kiểm dịch thực vật, biện
pháp kiểm dịch và xử lý vật thể bị nhiễm dịch cho các chủ vật thể trên địa bàn
tỉnh;
e. Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận
đủ điều kiện xông hơi khử trùng; cấp, thu hồi chứng chỉ, thẻ xông hơi khử trùng
cho các tổ chức, cá nhân hành nghề xông hơi khử trùng theo quy định của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật:
a. Quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực
vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện
các quy định quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật. Tham mưu Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc quản lý, dự trữ thuốc bảo vệ thực vật ở
địa phương;
b. Kiểm tra, thẩm định và giải quyết theo
thẩm quyền các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh; tổ chức quảng cáo,
hội thảo, hội nghị khách hàng có giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật theo
phân cấp và theo quy định của pháp luật;
c. Thực hiện kiểm định chất lượng nguyên
liệu và thành phẩm thuốc bảo vệ thực vật đang lưu hành; kiểm định dư lượng thuốc
bảo vệ thực vật tác động đến môi trường nông nghiệp sau khi sử dụng trên địa
bàn tỉnh;
d. Tổ chức thực hiện việc tiêu hủy hoặc
hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân có thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật
phải tiêu hủy thực hiện việc tiêu hủy thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên
địa bàn tỉnh theo quy định;
đ. Tổ chức tập huấn, cấp và thu hồi chứng
chỉ hành nghề, giấy phép cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất, gia công, sang
chai đóng gói thuốc bảo vệ thực vật; chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ
thực vật.
6. Tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công bố dịch
và bãi bỏ quyết định công bố dịch trên địa bàn tỉnh.
7. Về khoa học và công nghệ:
a. Đề xuất, tham gia các chương trình, kế
hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật chuyên
ngành bảo vệ thực vật;
b. Tham gia thẩm định các nhiệm vụ khoa học
về bảo vệ thực vật;
c. Quản lý thông tin khoa học công nghệ về
chuyên ngành bảo vệ thực vật.
8.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chế độ chính sách, tổ chức tập huấn hoặc phối
hợp tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo vệ thực vật cho cán
bộ kỹ thuật, các cộng tác viên, cơ sở sản xuất và người nông dân về bảo vệ thực
vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
9. Tổ chức và thực hiện công tác tiếp
dân, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham
nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn được giao của chi cục theo quy định của pháp luật.
10. Tổ
chức điều tra, thống kê và quản lý dữ liệu thống kê về bảo vệ thực vật trên địa
bàn tỉnh.
11. Tổ
chức việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí và phí tổn về công tác bảo vệ
và kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.
12. Quản lý công chức, viên chức, người
lao động, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ, khen
thưởng, kỷ luật, đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức,
viên chức thuộc phạm vi quản lý của Chi cục theo phân cấp của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và PTNT và theo quy định của pháp luật.
13. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn
khác do Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT giao và theo quy định của pháp luật.
Chương II
TỔ CHỨC BỘ MÁY
VÀ BIÊN CHẾ
Điều 3. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Chi cục gồm: Chi cục trưởng
và không quá 02 Phó Chi cục trưởng;
a. Chi cục trưởng là người đứng đầu Chi cục,
chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước
pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục và việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
được giao;
b. Phó Chi cục trưởng giúp Chi cục trưởng
phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Chi cục trưởng;
được thay mặt Chi cục trưởng giải quyết công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền
của Chi cục trưởng khi được Chi cục trưởng ủy quyền; chịu trách nhiệm trước Chi
cục trưởng và trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được phân công hoặc ủy
quyền;
c. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng,
kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với Chi cục trưởng, Phó chi cục trưởng
thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ, công chức của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Các phòng chuyên môn giúp việc:
- Phòng Hành chính - Tổng hợp;
- Phòng Kỹ thuật;
- Phòng Thanh tra, pháp chế.
3. Các
Trạm Bảo vệ thực vật gồm:
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy
Phước;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện An
Nhơn;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phù
Cát;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phù Mỹ;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài
Nhơn;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài
Ân;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tây
Sơn;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh
Thạnh;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện Vân
Canh;
- Trạm Bảo vệ thực vật huyện An
Lão;
- Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa.
4. Tùy
theo tình hình nhiệm vụ trong từng thời kỳ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật quyết định thành lập mới, hợp nhất,
giải thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc (các đơn vị
không có tư cách pháp nhân) trên cơ sở Đề án được Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
5. Việc
bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật các chức danh Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Trạm
trưởng, Phó Trạm trưởng thuộc Chi cục theo quy định phân cấp quản lý cán bộ,
công chức, viên chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các phòng chuyên môn,
nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc Chi cục do Chi cục trưởng quy định.
Điều 4. Biên chế công chức, viên chức
1. Biên chế của Chi cục (gồm có biên chế
hành chính và biên chế sự nghiệp), nằm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm theo yêu cầu
nhiệm vụ và khối lượng công việc.
2. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công
chức, viên chức của Chi cục thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức,
Luật Viên chức và các quy định khác của Nhà nước.
Chương III
Điều 5. Mối quan hệ công tác
1. Đối với Cục Bảo vệ thực vật:
Chi cục Bảo vệ thực vật chịu sự hướng dẫn, kiểm
tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bảo vệ thực vật; tổng hợp, kiến nghị và phản
ảnh kịp thời với Cục Bảo vệ thực vật để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình
triển khai các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Chi cục.
2. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a. Chi cục Bảo vệ thực vật chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, thanh
tra về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
b. Chi cục Bảo vệ thực vật có mối quan hệ phối hợp với các phòng chuyên
môn nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
giao và theo quy chế làm việc của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Đối với các cơ quan chuyên môn của tỉnh: Chi cục Bảo vệ thực
vật chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện
chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi
lĩnh vực hoạt động. Chi cục có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ
quan chức năng thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước.
4. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chi cục Bảo vệ thực vật
phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các
cơ quan hữu quan trên địa bàn huyện, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ quản
lý nhà nước về bảo vệ thực vật thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền theo quy
định của pháp luật.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật chịu
trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động của Chi cục theo đúng nội dung của
Quy định này và các quy định khác của Nhà nước có liên quan đến hoạt động của
Chi cục.
Điều 7. Sửa đổi, bổ sung Quy định
Trong quá trình hoạt động nếu có khó khăn, vướng
mắc cần sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Chi cục trưởng Chi
cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét quyết định./.