Quyết định 4100/QĐ-BCT năm 2008 thành lập Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Công thương về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
Số hiệu | 4100/QĐ-BCT |
Ngày ban hành | 23/07/2008 |
Ngày có hiệu lực | 23/07/2008 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Bộ Công thương |
Người ký | Vũ Huy Hoàng |
Lĩnh vực | Thương mại,Bộ máy hành chính |
BỘ
CÔNG THƯƠNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4100/QĐ-BCT |
Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số
189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ, về việc quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ, về việc thành lập Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ
sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BNN ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp
và phát triển nông thôn, ban hành Quy chế tổ chức và phối hợp hoạt động giữa
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm
dịch động thực vật (SPS) của Việt Nam với mạng lưới các điểm Thông báo và hỏi
đáp về SPS thuộc các Bộ, ngành;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Văn phòng thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Công thương về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (sau đây gọi tắt là Văn phòng SPS-BCT) đặt tại Vụ Xuất nhập khẩu.
Văn phòng SPS – BCT chịu sự điều phối về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) theo quy định tại Quyết định số 99/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 05 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Văn phòng SPS Việt Nam.
Điều 2. Nhiệm vụ của Văn phòng SPS – BCT
1. Nhiệm vụ thông báo
a) Thông báo cho Văn phòng SPS Việt Nam, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng mới, sửa đổi hoặc bổ sung các văn bản liên quan đến việc áp dụng các biện pháp SPS đối với sản phẩm chế biến công nghiệp và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ Công thương chủ trì thực hiện để Văn phòng SPS Việt Nam gửi cho Ban thư ký Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông báo tới các nước thành viên được biết và góp ý;
b) Thời hạn thông báo cho Văn phòng SPS Việt Nam dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về SPS ít nhất là 70 ngày trước khi ban hành, hoặc ngay sau khi văn bản có hiệu lực thi hành trong trường hợp áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ sức khỏe của con người hoặc động, thực vật với điều kiện phải giải thích lý do áp dụng biện pháp khẩn cấp đó;
c) Thông báo cho Văn phòng SPS Việt Nam về các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương, đa phương do Chính phủ ủy quyền hoặc do Bộ Công thương ký theo thẩm quyền liên quan đến SPS.
2. Nhiệm vụ hỏi đáp
a) Tiếp nhận, trả lời các câu hỏi và cung cấp thông tin liên quan về SPS trong lĩnh vực chuyên môn do Bộ Công thương quản lý trong vòng 5 ngày làm việc tính từ ngày Văn phòng SPS – BCT nhận được yêu cầu chuyển đến từ Văn phòng SPS Việt Nam hoặc từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và của nước thành viên WTO;
b) Trực tiếp hay thông qua Văn phòng SPS Việt Nam trả lời các câu hỏi và cung cấp thông tin liên quan đến các biện pháp SPS trong phạm vi quản lý của Bộ Công thương cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quan tâm trong nước và các nước thành viên WTO;
c) Tổng hợp và gửi về Văn phòng SPS Việt Nam các câu hỏi hoặc các đề nghị cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, quy định về biện pháp SPS của các nước thành viên WTO hoặc yêu cầu cung cấp thông tin có liên quan đến SPS của các cơ quan, tổ chức do Bộ Công thương quản lý;
d) Tiếp nhận và chuyển thông báo về các biện pháp SPS của các nước thành viên WTO đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguy cơ chịu tác động bởi các biện pháp này bằng fax hoặc email trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận được thông báo từ Văn phòng SPS Việt Nam.
3. Nhiệm vụ chuyên môn khác
a) Phối hợp với các đơn vị hữu quan trong việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, soạn thảo, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về SPS đối với sản phẩm chế biến công nghiệp và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO (sau đây gọi tắt là Hiệp định SPS/WTO). Xem xét dự thảo văn bản có liên quan đến biện pháp SPS đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của các nước thành viên WTO khi có yêu cầu và gửi góp ý về Văn phòng SPS Việt Nam trong vòng 50 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo dự thảo;
b) Tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan đến SPS và thực hiện nghĩa vụ minh bạch hóa của Hiệp định SPS/WTO, tham gia đàm phán song phương và đa phương về lĩnh vực SPS trong các hiệp định quốc tế và khu vực theo sự phân công của Bộ Công thương.
c) Tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin các quy định về SPS nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực về SPS cho các hiệp hội ngành hàng, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.
1. Văn phòng SPS – BCT do Vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu trực tiếp kiêm nhiệm Chánh Văn phòng, giúp việc Chánh Văn phòng có các công chức kiêm nhiệm, bao gồm:
- 01 thư ký văn phòng;
- 01 Chuyên viên về SPS;
- 01 Chuyên viên về hợp tác quốc tế và pháp lý.
2. Biên chế của Văn phòng SPS – BCT nằm trong tổng số biên chế của Vụ Xuất nhập khẩu đã được Bộ giao hàng năm.
Điều 4. Kinh phí hoạt động của Văn phòng SPS – BCT được cấp từ ngân sách nhà nước và được tổng hợp vào kinh phí hàng năm của Bộ Công thương.