Quyết định 4020/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 4020/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/12/2021
Ngày có hiệu lực 16/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Lê Quang Tiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4020/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 16 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 541/TTr-SNV ngày 07/12/2021 về việc ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quán triệt chủ trương của Đảng về cải cách hành chính là một trong những đột phá phát triển đất nước và gắn cải cách hành chính với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước.

2. Cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

3. Các nội dung cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

4. Cải cách hành chính gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo, đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; tận dụng có hiệu quả thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với lộ trình, bước đi phù hợp, tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động, nhưng không nóng vội, chủ quan, duy ý chí.

5. Cải cách hành chính phải kế thừa những thành tựu đã đạt được trong cải cách hành chính nhà nước giai đoạn vừa qua; tiếp thu những kinh nghiệm, những bài học thành công trong cải cách để vận dụng một cách phù hợp vào thực tiễn của tỉnh Thái Nguyên.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 là: Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự phát triển của tỉnh và đất nước; hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ, NHIỆM VỤ CHƯƠNG TRÌNH

1. Cải cách thể chế

a) Mục tiêu

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nền hành chính nhà nước, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Cụ thể như sau:

- Cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh trên các lĩnh vực, trọng tâm văn bản pháp luật về tổ chức, bộ máy của các cơ quan hành chính, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển.

- Tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện tốt hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

[...]