Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 402/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025

Số hiệu 402/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/05/2015
Ngày có hiệu lực 05/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Hữu Bình
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 402/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 5 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ÐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HẠ TẦNG KỸ THUẬT VIỄN THÔNG THỤ ĐỘNG TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Viễn thông số 41/2009/QH12 ngày 23/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Viễn thông, trong đó có quy định quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương;

Căn cứ Quyết định số 1266/2014/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 195/TTr-STTTT ngày 10/4/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

2. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông ứng dụng các công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển viễn thông trong tương lai.

3. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đi đôi với sử dụng hiệu quả hạ tầng mạng lưới; đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa; đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng.

4. Phát triển hạ tầng viễn thông thụ động chủ yếu theo hướng dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp; tiết kiệm nguồn vốn đầu tư, đảm bảo mỹ quan đô thị; các doanh nghiệp cùng đầu tư một lần và sử dụng chung cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp không tham gia đầu tư khi muốn sử dụng chung cơ sở hạ tầng phải thuê lại hạ tầng với giá do doanh nghiệp đầu tư quy định.

5. Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đi đôi với việc bảo đảm an ninh - quốc phòng, an toàn mạng lưới thông tin góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

6. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường; xây dựng phát triển hạ tầng mạng lưới. Tạo lập thị trường cạnh tranh, phát triển lành mạnh, bình đẳng. Xã hội hóa trong xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh.

b) Phát triển mạng lưới, hoàn thiện nâng cấp mạng lưới lên công nghệ NGN; phát triển, ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông (tính đến tủ cáp) khu vực thành phố, trung tâm các huyện.

c) Hình thành xa lộ thông tin nối tới tất cả các huyện, thành phố, xã, phường trong tỉnh bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác.

d) Phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, phù hợp với sự phát triển hạ tầng viễn thông cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020:

a) Ngầm hóa 100% hạ tầng mạng cáp ngoại vi viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị, khu công nghiệp xây dựng mới.

[...]