THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
39/2009/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM VÀ LỰC LƯỢNG
DÂN QUÂN TỰ VỆ TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 và Pháp lệnh Dân quân tự vệ năm
2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa lực
lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng.
Điều 2.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 5
năm 2009.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM VÀ LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ
TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2009/QĐ-TTg ngày 09 tháng 03 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về phối hợp
giữa lực lượng kiểm lâm và dân quân tự vệ trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ
rừng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh nhằm thống nhất hành động, huy động
sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng cùng với các lực lượng khác, các cấp, các
cơ quan liên quan và toàn dân trong công tác bảo vệ rừng.
Điều 2.
Nguyên tắc phối hợp
1. Hoạt động phối hợp thực hiện
nhiệm vụ bảo vệ giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng dân quân tự vệ đặt dưới sự
lãnh đạo của cấp ủy Đảng và quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp; phát
huy sức mạnh của toàn dân và của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội
nghề nghiệp có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo,
điều hành tập trung, thống nhất của mỗi lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và tổ chức bộ máy của lực lượng kiểm lâm, lực lượng dân quân tự vệ từ Trung
ương đến các cấp địa phương.
3. Đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất,
hỗ trợ lẫn nhau thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng không tạo ách tắc trong việc
thực hiện nhiệm vụ riêng và công việc nội bộ của nhau; giữ bí mật về lực lượng,
phương tiện, biện pháp nghiệp vụ trong xử lý tình huống theo quy định của Nhà
nước.
4. Việc xử lý các vụ vi phạm
trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản phải kiên quyết, chủ
động, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân
theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ
chế chỉ huy khi thực hiện việc phối hợp
1. Các lực lượng phối hợp phải
chấp hành sự chỉ huy thống nhất của người có thẩm quyền theo phương án phối hợp
giải quyết các vụ việc bảo vệ rừng cụ thể được Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.
2. Trong trường hợp giải quyết
công việc cụ thể, cấp bách về bảo vệ rừng mà cơ quan Kiểm lâm có thẩm quyền đề
nghị lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng kiểm lâm thực hiện việc
mai phục, truy bắt, dẫn giải những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về rừng,
áp tải tang vật, phương tiện vi phạm, tuần tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng và
phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án cơ quan Kiểm lâm thì do người đứng đầu
cơ quan Kiểm lâm chỉ huy.
3. Trong trường hợp người có thẩm
quyền của lực lượng dân quân tự vệ đề nghị lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực
lượng dân quân tự vệ thực hiện việc mai phục, truy bắt, dẫn giải những cá nhân
có hành vi vi phạm pháp luật khác thuộc thẩm quyền của lực lượng dân quân tự vệ
theo phương án của lực lượng dân quân tự vệ thì người đứng đầu lực lượng dân
quân tự vệ chỉ huy.
Chương 2.
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 4. Phối
hợp trong công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện
1. Hàng năm, cơ quan Kiểm lâm chủ
trì, phối hợp cơ quan Dân quân tự vệ cùng cấp xây dựng kế hoạch tuyên truyền,
đào tạo, huấn luyện về bảo vệ rừng trình lãnh đạo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sau khi kế hoạch được phê duyệt,
việc triển khai phối hợp trong công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện như
sau:
a. Cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp
với Cục Dân quân tự vệ hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức xây dựng kế hoạch phối
hợp 2 lực lượng ở địa phương;
b. Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối
hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, đào tạo,
huấn luyện trên địa bàn cấp tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các Hạt Kiểm lâm cấp huyện
chủ trì, phối hợp Ban Chỉ huy quân sự huyện tổ chức thực hiện trên địa bàn cấp
huyện.
2. Cơ quan Kiểm lâm và cơ quan
Dân quân tự vệ cùng cấp thống nhất về nội dung đào tạo, huấn luyện, biên soạn
bài giảng, lập kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai (địa điểm, thời gian, đối
tượng học viên), giảng viên cho từng khóa đào tạo, tập huấn.
3. Hạt trưởng các hạt kiểm lâm cấp
huyện chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp lực lượng dân quân tự vệ cơ sở tham mưu
cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chủ
trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở và cộng đồng
dân cư.
Điều 5. Trao
đổi thông tin
1. Việc trao đổi, xử lý thông
tin phải bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời. Khi có những thông tin khác nhau
về vụ việc, hiện tượng thì hai bên phải phối hợp xác minh, thống nhất kết luận
trước khi báo cáo lên cấp trên và cơ quan thẩm quyền giải quyết. Trường hợp đột
xuất, cần thiết có thể báo cáo vượt cấp nhưng trong vòng 3 giờ kể từ khi báo
cáo vượt cấp phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp và cơ quan thẩm quyền giải quyết.
2. Nội dung trao đổi thông tin
giữa cơ quan Kiểm lâm và cơ quan Dân quân tự vệ
a. Cơ quan Kiểm lâm chủ động trao
đổi với cơ quan Dân quân tự vệ cùng cấp những thông tin sau:
- Tình hình bảo vệ rừng trong phạm
vi quản lý;
- Các tụ điểm, điểm nóng về phá
rừng, khai thác rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã; các trọng điểm về
cháy rừng, loài cây, diện tích có nguy cơ cháy rừng cao và dự kiến các tình huống
có thể xảy ra cháy rừng để có kế hoạch phối hợp phòng, chống các hành vi xâm hại
rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Tình hình giao đất, giao rừng,
canh tác nương rẫy và sinh vật gây hại rừng;
- Kế hoạch kiểm tra công tác bảo
vệ rừng của cơ quan Kiểm lâm và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy những vấn đề cấp bách
về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng;
- Các nội dung khác liên quan đến
công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và tình hình phối hợp giữa hai lực lượng.
b. Cơ quan Dân quân tự vệ chủ động
trao đổi với cơ quan Kiểm lâm cùng cấp những thông tin sau:
- Tình hình bảo vệ rừng trong phạm
vi hoạt động của cơ quan Dân quân tự vệ;
- Kế hoạch phối hợp giữa cơ quan
Dân quân tự vệ với cơ quan Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
Điều 6. Tình
hình trao đổi thông tin
1. Việc trao đổi thông tin giữa
lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ được tiến hành dưới hình thức
giao ban hoặc bằng văn bản.
a. Giao ban giữa Cục Kiểm lâm và
Cục Dân quân tự vệ: ít nhất 01 lần/01 năm.
b. Giao ban giữa lực lượng kiểm
lâm và lực lượng dân quân tự vệ các cấp ở địa phương:
- Đối với cấp tỉnh: ít nhất 6
tháng 1 lần.
- Đối với cấp huyện: ít nhất 3
tháng 1 lần.
2. Khi có nhiệm vụ đột xuất hoặc
tình huống phức tạp, cấp bách, các cấp phải chủ động thông báo ngay cho nhau bằng
hình thức thích hợp như: điện thoại, thư điện tử, gửi văn bản.
3. Nội dung các cuộc giao ban
a. Giao ban giữa Cục Kiểm lâm và
Cục Dân quân tự vệ: kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai việc phối hợp giữa
hai lực lượng trong toàn quốc theo các nội dung quy định tại Quy chế này; xác định
các biện pháp phối hợp có hiệu quả trong thời gian tiếp theo;
Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc
sau khi kết thúc giao ban, hai Cục phải đồng trình báo cáo kết quả việc giao ban
cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
b. Giao ban giữa cơ quan Kiểm
lâm với cơ quan Quân sự các cấp ở địa phương: kiểm điểm, đánh giá tình hình triển
khai việc phối hợp giữa hai đơn vị theo các nội dung quy định tại Quy chế này;
xác định các biện pháp phối hợp có hiệu quả trong thời gian tiếp theo;
Chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc
sau khi kết thúc giao ban phải báo cáo kết quả việc giao ban với cơ quan quản
lý cấp trên trực tiếp. Đối với giao ban cấp tỉnh thì Chi cục Kiểm lâm đồng gửi
báo cáo cho Cục Kiểm lâm, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đồng gửi báo cáo cho Cục Dân
quân tự vệ.
4. Giao ban giữa cơ quan Kiểm
lâm với cơ quan Dân quân tự vệ cùng cấp được tổ chức luân phiên. Đơn vị chủ trì
giao ban có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, bố trí kinh phí, thời gian, địa điểm
thích hợp để giao ban đạt hiệu quả.
Điều 7. Các
hoạt động phối hợp bảo vệ rừng giữa cơ quan Kiểm lâm với cơ quan Dân quân tự vệ
cùng cấp
Cơ quan Kiểm lâm chủ trì, phối hợp
với cơ quan Dân quân tự vệ thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng
sau:
1. Huấn luyện, diễn tập phòng
cháy, chữa cháy rừng
Hàng năm, vào đầu mùa cháy rừng
cao điểm, cơ quan Kiểm lâm chủ trì, phối hợp cơ quan Dân quân tự vệ tổ chức huấn
luyện, diễn tập chữa cháy rừng cho cả lực lượng Kiểm lâm và lực lượng Dân quân
tự vệ.
2. Chữa cháy rừng
Mọi trường hợp cháy rừng xảy ra,
các lực lượng phải chủ động chữa cháy rừng ngay, đồng thời thông tin ngay cho
đơn vị phối hợp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.
Trường hợp xảy ra cháy rừng cần
thiết phải huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy theo quy định của pháp luật,
cơ quan Kiểm lâm phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp tham mưu cho Ủy ban nhân
dân cùng cấp điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng, khắc phục
hậu quả cháy rừng.
3. Tổ chức kiểm tra, truy quét
những tổ chức, cá nhân phá rừng
a. Kiểm tra truy quét tại các trọng
điểm vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng;
b. Bố trí lực lượng tại các trạm,
chốt cửa rừng, các điểm lưu thông, chế biến kinh doanh lâm sản tập trung;
c. Truy bắt những cá nhân có
hành vi trốn chạy, tẩu tán tang vật, chống người thi hành công vụ;
d. Kiểm tra, tháo gỡ, tiêu hủy
các loại bẫy, săn, bắn, bắt, giết mổ động vật rừng, sử dụng các loại súng săn
trái phép.
4. Xác minh các thông tin liên quan
làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm
hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
5. Cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt hành chính và giải tỏa diện tích rừng bị chặt phá trái phép theo quy định
của pháp luật.
Điều 8. Các
hoạt động phối hợp giữa Dân quân tự vệ cấp xã với Kiểm lâm địa bàn
1. Trách nhiệm Dân quân tự vệ cấp
xã
a. Nắm được phân bổ diện tích từng
loại rừng và diễn biến rừng trên địa bàn;
b. Phối hợp với Kiểm lâm địa bàn
cấp xã tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng và tham gia giải quyết những “điểm
nóng”, những vụ việc cụ thể về công tác bảo vệ rừng ở địa phương;
c. Khi thực hiện nhiệm vụ tuần
tra, kiểm tra tình hình trật tự, an ninh địa phương phải kết hợp với tuần tra,
kiểm tra công tác bảo vệ rừng. Nếu phát hiện những tổ chức, cá nhân có hành vi
vi phạm pháp luật về rừng trên địa bàn phải lập biên bản, báo cáo ngay cho Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, kiểm lâm địa bàn biết để xử lý.
2. Trách nhiệm của Kiểm lâm địa
bàn xã
a. Thường xuyên trao đổi, cung cấp
cho Xã đội trưởng về phân bổ diện tích từng loại rừng, diễn biến rừng trên địa
bàn xã và các quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng;
b. Chủ trì, phối hợp với Xã đội
trưởng tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng phương án tuần
tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng ở địa phương;
c. Chủ trì, phối hợp với Xã đội
trưởng hoặc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý các tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm pháp luật về rừng trên địa bàn.
d. Chủ trì, phối hợp với Xã đội
trưởng hoặc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức sơ kết tình
hình thực hiện công tác bảo vệ rừng hàng năm.
Điều 9. Phối
hợp trong sơ kết, tổng kết thực hiện Quy chế
1. Quy định thời gian sơ kết, tổng
kết
a. Sơ kết thực hiện vào quý IV
hàng năm;
b. Tổng kết thực hiện 5 năm/lần.
2. Hình thức sơ kết
a. Cục Kiểm lâm, Cục Dân quân tự
vệ theo dõi, chỉ đạo cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cơ quan Quân sự cấp tỉnh tổ chức
sơ kết;
b. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cấp
huyện phối hợp cơ quan Quân sự cùng cấp tổ chức sơ kết;
c. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức
sơ kết.
3. Hình thức tổng kết
a. Cục Kiểm lâm phối hợp với Cục
Dân quân tự vệ tham mưu lãnh đạo hai Bộ hoặc Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức
việc tổng kết;
b. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cấp
huyện phối hợp với cơ quan Quân sự tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp chủ
trì tổng kết.
Chương 3.
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH, NGUỒN
KINH PHÍ BẢO ĐẢM PHỐI HỢP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Chế
độ, chính sách
1. Chế độ, chính sách đối với lực
lượng kiểm lâm
Công chức, viên chức, người lao
động hợp đồng trong các cơ quan kiểm lâm khi phối hợp với lực lượng dân quân tự
vệ để bảo vệ và phát triển rừng được hưởng chế độ, chính sách theo Điều 17 Nghị
định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt
động của Kiểm lâm và các văn bản hướng dẫn khác liên quan của cơ quan nhà nước
thẩm quyền.
2. Chế độ, chính sách đối với lực
lượng dân quân tự vệ
Cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ
khi tham gia phối hợp lực lượng kiểm lâm để bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng
được hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định số 184/2004/NĐ-CP của
Chính phủ ngày 02 tháng 11 năm 2004 quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh
Dân quân tự vệ và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan của cơ quan nhà nước
thẩm quyền.
3. Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng
hướng dẫn cụ thể chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân
quân tự vệ.
Điều 11.
Nguồn kinh phí bảo đảm cho thực hiện việc phối hợp
1. Kinh phí phối hợp giữa lực lượng
kiểm lâm với lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa
cháy rừng của các cấp được bố trí trong chi thường xuyên (kinh phí phòng cháy,
chữa cháy rừng) của Kiểm lâm các cấp; việc quyết toán kinh phí thực hiện theo
quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách
nhiệm bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của địa phương (bố trí trong dự
toán chi sự nghiệp kinh tế) để chủ động nguồn kinh phí bảo đảm sự phối hợp lực
lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương có hiệu quả.
3. Ngân sách bảo đảm chi cho các
nội dung sau:
a. Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn
bảo vệ và phát triển rừng;
b. Tổ chức hội nghị giao ban các
cấp;
c. Công tác sơ kết, tổng kết;
d. Huy động lực lượng thực hiện
nhiệm vụ;
đ. Mua sắm phương tiện, thiết bị
phục vụ diễn tập, luyện tập;
e. Diễn tập, luyện tập;
g. Xây dựng các đơn vị điểm;
h. Xây dựng phương án, kế hoạch;
i. Các khoản chi khác theo quy định
tại quy chế này.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể việc giải
quyết kinh phí cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ tổ chức các
hoạt động phối hợp quy định tại Quy chế này.
Điều 12. Lập
dự toán kinh phí thực hiện Quy chế phối hợp
1. Ở Trung ương
a. Hàng năm, Cục Kiểm lâm lập dự
toán chi cho các hoạt động theo quy chế này cùng với dự toán chi thường xuyên
báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt và tổng hợp vào dự
toán ngân sách Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế
hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt;
b. Hàng năm, Cục Dân quân tự vệ
lập dự toán chi cho các hoạt động thực hiện Quy chế này của cơ quan Bộ Quốc
phòng và các quân khu cùng với dự toán chi thường xuyên báo cáo Bộ Quốc phòng
xét duyệt và tổng hợp vào dự toán ngân sách Bộ Quốc phòng gửi Bộ Tài chính, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.
2. Ở địa phương
a. Hàng năm, cơ quan Kiểm lâm cấp
tỉnh lập dự toán chi cho các hoạt động theo Quy chế này cùng với dự toán chi
thường xuyên báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt và gửi Sở
Tài chính xem xét bố trí, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân
dân tỉnh phê duyệt.
b. Hàng năm, Bộ Chỉ huy quân sự
tỉnh lập dự toán chi cho các hoạt động thực hiện Quy chế này cùng với dự toán
chi thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi Sở Tài chính xem xét bố trí,
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 13. Tổ
chức thực hiện
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và phân
cấp cho các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện Quy chế này; định kỳ tổng kết,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng tổ chức việc đánh giá thực hiện
Quy chế này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng tổ
chức thực hiện Quy chế này.