Quyết định 38/2013/QĐ-UBND về chủ trương, biện pháp quản lý và điều hành ngân sách địa phương năm 2014 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 38/2013/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/12/2013
Ngày có hiệu lực 01/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2013/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2014.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 2986/QĐ-BTC ngày 30/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 13/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về dự toán thu NSNN trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2014;

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những quan điểm xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

I. PHÂN BỔ VÀ GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014:

Điều 1. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đối với ngân sách địa phương:

1. Năm 2014 là năm thứ tư trong thời kỳ ổn định ngân sách giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (2011-2015), việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương cơ bản thực hiện ổn định theo đúng Nghị quyết số 224/2010/NQ-HĐND ngày 14/12/2010, Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 12/12/2011, Nghị quyết số 20/2012/NQ-HĐND ngày 14/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định tỷ lệ điều tiết ngân sách các cấp thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015.

Số bổ sung cho ngân sách huyện, thành, thị đã được HĐND quyết định năm 2014 để thực hiện cải cách tiền lương đến mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng. Năm 2014: thu phạt vi phạm hành chính là khoản thu khác ngân sách do các cơ quan thuộc cấp nào thực hiện sẽ được điều tiết ngân sách cấp đó 100% theo quy định tại Nghị quyết số 20/2012/NQ-HĐND ngày 14/12/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định tỷ lệ điều tiết ngân sách các cấp thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015; riêng khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa là khoản thu phân chia điều tiết về ngân sách trung ương 70% để chi cho lực lượng công an, điều tiết ngân sách cấp tỉnh 30% để chi cho các hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn (theo hướng dẫn tại Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 7/10/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông do ngân sách nhà nước cấp và các văn bản khác có liên quan).

Dự toán chi ngân sách năm 2014 của cấp huyện, cấp xã và các đơn vị dự toán thuộc ngân sách tỉnh đã được tính toán đảm bảo nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương với mức lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng và được UBND tỉnh giao cho từng huyện, thành, thị và các đơn vị tại Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 16/12/2013.

2. Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để tạo nguồn thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và sử dụng 10% từ nguồn thu này để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 68/2006/QH11 ngày 31/10/2006 của Quốc hội, nguồn thu xổ số kiến thiết không đưa vào cân đối thu, chi ngân sách địa phương mà được quản lý qua ngân sách nhà nước.

Điều 2. Phân bổ và giao dự toán thu ngân sách:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách năm 2014 cho các đơn vị trực thuộc, và các xã, phường, thị trấn đảm bảo mức dự toán thu ngân sách UBND tỉnh giao.

2. Việc phân bổ và giao dự toán thu ngân sách phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2013; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn; yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại, tăng cường đôn đốc thu tiền nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, hạn chế nợ mới phát sinh, thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; thu đầy đủ kịp thời vào ngân sách nhà nước các khoản tiền thuế, tiền sử dụng đất được gia hạn đến hạn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2014.

Điều 3. Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước:

1. Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển:

Việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển phải thực hiện đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng; đồng thời tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, các dự án trọng điểm; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2013 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014; vốn đối ứng ODA theo tiến độ thực hiện dự án; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành, phát huy hiệu quả; bố trí hoàn trả các khoản vốn ứng trước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa khởi công mới các dự án, chỉ bố trí vốn cho các dự án thật sự cấp bách khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 và có quyết định đầu tư phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 năm 2013, không được bố trí vốn cho các công trình, dự án không đúng với các chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án đầu tư thực hiện trong phạm vi mức vốn kế hoạch được giao, không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ngoài việc thực hiện phân bổ, bố trí vốn và giao dự toán chi đầu tư phát triển như trên, cần chú ý một số nội dung sau:

- Ưu tiên bố trí trả (cả gốc và lãi) các khoản huy động đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước đến hạn phải trả trong năm 2014; trả các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thủy sản.

- Đối với các dự án ODA do địa phương quản lý: Ưu tiên bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương cho các dự án theo cam kết.

- Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề không được thấp hơn mức UBND tỉnh giao.

[...]