Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 38/2005/QĐ-BNN về việc ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 38/2005/QĐ-BNN
Ngày ban hành 06/07/2005
Ngày có hiệu lực 08/08/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2005/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 38/2005/QĐ-BNN NGÀY 06 THÁNG 7 NĂM 2005 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỊNH MỨC KINH TẾ KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG, KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH RỪNG VÀ BẢO VỆ RỪNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 203/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu;
Căn cứ vào các Quy trình, quy phạm kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng;
Căn cứ vào điều kiện sản xuất Lâm nghiệp hiện tại;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản “Định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo Chính phủ. Bãi bỏ Quyết định số 532/VKT ngày 15/7/1988 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành tạm thời định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng và Quyết định số 426/KLND ngày 16/11/1991 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành tạm thời định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ;

Điều 3: Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các Cục, Vụ, các đơn vị có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Hứa Đức Nhị 

(Đã ký)

 

PHẦN HƯỚNG DẪN CHUNG

A. CÁCH TRÌNH BÀY TẬP ĐỊNH MỨC LAO ĐỘNG

Định mức kinh tế kỹ thuật trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng và bảo vệ rừng được trình bày cụ thể thành các phần chính như sau:

Phần 1: Định mức lao động quản lý và định mức cấp bậc công việc:  Phần này bao gồm có 2 bảng mức các bảng mức trong phần này được xây dựng dựa trên các văn bản Quy định mới nhất của nhà nước về chính sách chế độ tiền lương, lao động và quản lý....

Phần 2: Định mức lao động cho các khâu sản xuất giống: Phần này  có 13 bảng mức bao gồm tất cả các công việc cần thiết để tạo cây con phục vụ cho công tác trồng rừng.

Phần 3: Định mức lao động các khâu công việc trồng rừng: Phần này có 9 bảng mức bao gồm tất cả các công việc chuẩn bị đất đưa cây lên trồng chăm sóc rừng trồng theo Quy định cho đến ngày rừng khép tán.

Phần 4: Định mức lao động các khâu công việc điều tra thiết kế trồng rừng và các công việc khác: Phần này bao gồm 5 bảng mức bao gồm các bảng mức cho các công việc thiết kế xây dựng và phát triển rừng (trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, giao khoán rừng ...),  khoanh nuôi xúc tiến tái sinh ....

Phần 5:  Định mức lao động tổng hợp cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu: Phần này bao gồm 14 bảng mức khác nhau được tính toán cụ thể theo từng khâu công việc để tạo được 1 ha rừng trồng đến ngày khép tán. Tuy nhiên ở đây bảng mức tổng hợp được xây dựng trên cơ sở một vài mật độ chủ yếu, một phương thức trồng cụ thể cũng như  trong một điều kiện cụ thể về độ dốc, cấp đất .... nên nó chỉ có tính chất tham khảo cho các đơn vị khi làm thiết kế xây dựng và phát triển rừng.

Phần 6: Định mức vật tư kỹ thuật: Là định mức tiêu hao hạt giống, nguyên vật liêu thuốc trừ sâu, nấm cho 21 loài cây chủ yếu và 1 bảng mức tiêu hao công cụ thủ công

Phần 7: Các bảng phụ lục: Phần này bao gồm 3 bảng phụ lục: Đó là bảng tổng hợp các hệ số khi tính mức, bảng phân loại thực bì, bảng phân loại nhóm đất trồng rừng.

Các bảng mức ở các phần 2, 3, 4  được trình bày bằng mức sản lượng Quy định số lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi người lao động phải hoàn thành trong một ca làm việc chế độ, ở những điều kiện tổ chức, kỹ thuật nhất định phù hợp với trình độ của người lao động.

Mỗi mức lao động đều có những quy định cụ thể như:

+ Tổ chức nơi làm việc: Quy định cách chuẩn bị hiện trường để thực hiện công việc.

+ Công cụ lao động: Quy định các loại công cụ dùng để thực hiện hoàn thành công việc.

+ Nội dung công việc: Quy định các nhiệm vụ chủ yếu mà người lao động phải thực hiện trong ca làm việc.

+ Yêu cầu kỹ thuật: Quy định các yêu cầu về kỹ thuật và các tiêu chuẩn để nghiệm thu sản phẩm hoàn thành.

+ Tổ chức lao động: Quy định tổ chức lao động theo nhóm để thực hiện hoàn thành công việc đạt kết quả cao, cấp bậc công việc thích hợp và các loại thời gian được tính trong mức lao động.

[...]