Quyết định 3794/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án Tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 3794/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/08/2010
Ngày có hiệu lực 03/08/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trịnh Duy Hùng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3794/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 03 tháng 08 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ ĐÊ NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Thông tư số 26/2009/TT-BNN ngày 11 tháng 5 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, nguồn kinh phí và chế độ thù lao đối với lực lượng quản lý đê nhân dân.
Xét Tờ trình số 727/TTr-SNV ngày 14 tháng 6 năm 2010 của Sở Nội vụ Hà Nội về việc trình phê duyệt Đề án Tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm:

a) Cơ cấu tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân

a.1. Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp Quận, Huyện, Thị xã (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp Huyện) thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân, không thuộc biên chế nhà nước, được tổ chức theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn ven đê (sau đây gọi tắt là ủy ban nhân dân xã).

a.2. Mỗi nhân viên quản lý đê nhân dân chịu trách nhiệm quản lý không quá 3 km đê. Trường hợp những xã có dưới 3 km đê, tùy tính chất phức tạp của đê điều trên địa bàn (được Ban chỉ huy Phòng, chống bão lụt Thành phố đánh giá là địa bàn trọng điểm, xung yếu), thì địa phương có thể bố trí từ 1 đến 2 nhân viên Quản lý đê nhân dân cho phù hợp. Căn cứ số lượng km đê trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã trình UBND cấp Huyện thẩm định, quyết định số lượng nhân viên và thành lập “Tổ Quản lý đê Nhân dân”. Đối với Xã có tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân từ 3 đến 5 tổ viên sẽ có 1 tổ trưởng.

a.3. Nhân viên quản lý đê nhân dân phải có đủ sức khỏe; có đạo đức, phẩm chất tốt; có trách nhiệm, tâm huyết; có trình độ văn hóa tối thiểu tốt nghiệp phổ thông trung học và có hiểu biết về pháp luật. Nhân viên quản lý đê nhân dân do UBND cấp xã ký hợp đồng theo quy định hiện hành của Luật lao động, thời hạn hợp đồng là 01 năm.

a.4. Lực lượng quản lý đê nhân dân, hoạt động dưới sự quản lý, điều hành của UBND cấp xã, và hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn cấp huyện và Hạt quản lý đê hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành đê điều.

b) Nhiệm vụ của tổ và nhân viên quản lý đê nhân dân

b.1. Chấp hành sự phân công của Ủy ban nhân dân xã và chịu sự hướng dẫn về mặt chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan chuyên môn cấp Huyện và Hạt Quản lý đê chuyên trách. Tổ trưởng tổ quản lý đê Nhân dân có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã điều hành hoạt động của Tổ quản lý đê Nhân dân;

b.2. Chủ động và phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều và các công trình trên đê;

b.3. Kiểm tra, phát hiện, báo cáo kịp thời tình trạng đê điều, các diễn biến hư hỏng, sự cố đê điều và các công trình trên đê;

b.4. Phát hiện, ngăn chặn báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm luật về đê điều cho các cơ quan có thẩm quyền;

b.5. Phối hợp với Hạt quản lý đê kiểm tra lập Biên bản vi phạm và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão;

b.6. Tuyên truyền, phổ biến Luật Đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão và các văn bản của Thành phố có liên quan để nhân dân sống trên địa bàn biết và vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về đê điều;

b.7. Tham gia với chính quyền cấp Xã và cơ quan chuyên môn xây dựng phương án hộ đê, phòng, chống lụt, bão trên địa bàn được giao;

b.8. Tham gia quản lý và bảo vệ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê như: điếm canh đê; vật tư dự trữ chống lũ, lụt, bão, úng; biển báo đê điều; cột chỉ giới; cây chắn sóng bảo vệ đê và các công trình phụ trợ khác;

b.9. Nhân viên quản lý đê nhân dân khi làm nhiệm vụ phải đeo băng đỏ có chữ “QLĐND” mầu vàng trên cánh tay trái.

c) Chế độ, nguồn kinh phí và nội dung báo cáo đối với lực lượng quản lý đê nhân dân

c.1. Nhân viên Quản lý đê Nhân dân có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp Xã định kỳ một tháng hai lần vào ngày 01 và ngày 15 hàng tháng và báo cáo đột xuất khi cần thiết về tình trạng đê điều, các công trình phòng, chống, lụt bão, tình trạng vật tư dự trữ phòng chống lũ, lụt, bão trên địa bàn được giao;

c.2. Tổ Quản lý đê Nhân dân có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp Xã tổng hợp báo cáo của các nhân viên quản lý đê nhân dân trình UBND cấp xã báo cáo cơ quan chuyên môn cấp Huyện và Hạt Quản lý đê chuyên trách, mỗi tháng một lần vào ngày 03 hàng tháng và khi khẩn cấp chủ tịch UBND cấp Xã sẽ báo cáo trực tiếp Chủ tịch UBND cấp Huyện;

c.3. Nhân viên Quản lý đê Nhân dân khi làm nhiệm vụ, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều hoặc những hư hỏng, sự cố đê điều phải bằng mọi cách nhanh chóng báo cáo Ủy ban nhân dân Xã hoặc Ban chỉ huy PCLB cấp xã và cơ quan chuyên môn về đê điều để có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo an toàn cho đê điều;

c.4. Nội dung văn bản báo cáo khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều hoặc hư hỏng, sự cố đê điều và các công trình trên đê phải ghi cụ thể:

- Thời gian phát hiện vi phạm hoặc hư hỏng, sự cố đê điều:

- Vị trí, mức độ, đặc điểm, kích thước, diễn biến vi phạm hoặc hư hỏng, sự cố đê điều, đề xuất biện pháp xử lý;

[...]