Quyết định 369/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 369/QĐ-TTg
Ngày ban hành 04/05/2024
Ngày có hiệu lực 04/05/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 369/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI PHÍA BẮC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 3178/TTr-BKHĐT ngày 26 tháng 4 năm 2024; Báo cáo thẩm định số 10/BC-HĐTĐ ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái. Phía Bắc có ranh giới giáp với các địa phương cấp tỉnh là Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc; phía Tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào; phía Đông và phía Nam giáp vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

II. QUAN ĐIỂM, TẦM NHÌN VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

a) Vùng trung du và miền núi phía Bắc phải phát triển nhanh, bền vững, toàn diện; từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng với các vùng khác; bảo đảm vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển vùng phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quốc gia có liên quan; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia.

b) Phát triển kinh tế trên cơ sở tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp giá trị cao, ứng dụng công nghệ hiện đại, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch, kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

c) Giữ gìn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng. Nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục đào tạo, bảo trợ xã hội; thực hiện tốt các chính sách người có công, chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.

d) Tổ chức không gian phát triển theo các tiểu vùng, vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang gắn với vùng Thủ đô Hà Nội và các vành đai kinh tế, bao gồm vành đai biên giới gắn với các cửa khẩu. Phát triển chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô, các chuỗi liên kết trung tâm đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng, nhất là hạ tầng giao thông liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên kết với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và quốc tế, bảo đảm phát huy tối đa vị thế, vai trò là cửa ngõ phía Bắc của cả nước với Trung Quốc và ASEAN. Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, có bản sắc, mang giá trị truyền thống các dân tộc, gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối nội vùng và với các đô thị lớn trong vùng đồng bằng sông Hồng.

đ) Tăng cường quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng, khoáng sản, đất và nước, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là trung tâm trong các quyết định phát triển vùng. Đặc biệt coi trọng bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái, an ninh nguồn nước, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhất là rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên; chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

e) Phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc biên giới của tổ quốc; phát huy hiệu quả thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới. Mở rộng hợp tác quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng về quốc phòng, an ninh, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững.

2. Tầm nhìn đến năm 2050

Vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng phát triển bền vững, toàn diện, hình mẫu phát triển xanh của cả nước; một số tỉnh nằm trong nhóm có thu nhập cao, có kinh tế phát triển; hình thành một số trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đại; một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hiệu quả cao, lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển ngang tầm khu vực; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân đạt khoảng 7,5 - 8,0 %/năm. Đến năm 2050, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 15.000 - 18.000 USD, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,75, đời sống của người dân hạnh phúc, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ