Quyết định 3684/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 3684/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 30/12/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Cao Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3684/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019;

Trên cơ sở định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác tư pháp năm 2023 tại Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2022 của Bộ Tư pháp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 189/TTr-STP ngày 29 tháng 12 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình số 87/CTr-STP ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Sở Tư pháp về trọng tâm công tác tư pháp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Bộ Tư pháp;
- Cục công tác phía Nam - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, THNC.

CHỦ TỊCH




Cao Tiến Dũng

 

UBND TỈNH ĐỒNG NAI
SỞ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 87/CTr-STP

Đồng Nai, ngày 28 tháng 12 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021 - 2025. Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh về năng lượng, lương thực và thông tin gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết... Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. Từ đó, tiếp tục phát sinh nhiều vấn đề pháp lý trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội cả ở Trung ương và địa phương.

Trong bối cảnh chung đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai năm 2022 đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP đạt 233.979,73 tỷ đồng, tăng 9,22% so với cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 133,59 triệu đồng (tương đương 5.717,49 USD); thu ngân sách trên địa bàn là 62.885,68 tỷ đồng, đạt 114% dự toán đầu năm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Đồng Nai đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể: Tình hình sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp bắt đầu chững lại, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn ở mức cao; việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, tình trạng các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc,... ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt đối với công nhân và người lao động.

Đối với ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai, tiếp tục phát huy những kết quả khả quan, tích cực trong năm 2022 như việc hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động hướng về cơ sở phục vụ Nhân dân với nhiều giải pháp hiệu quả để trực tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và môi trường ổn định của địa phương. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội còn có những khó khăn, thách thức đối với công tác xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai phải tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp; thể hiện trong các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổng kết và thực hiện các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp; các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tư pháp để xác định nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện công tác tư pháp năm 2023.

Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2023 theo định hướng công tác của Bộ Tư pháp, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai Khóa XI về chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2023, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND), Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) về chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2023, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành, thực hiện đạt và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai xây dựng Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với những nội dung như sau:

I. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2023

1. Phát huy vai trò, vị trí quan trọng của ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh Đồng Nai đồng bộ, hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có hiệu lực, hiệu quả cao; lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và tận dụng tốt các cơ hội được tạo ra bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Phối hợp thực hiện và triển khai có hiệu quả thi hành Luật tổ chức thi hành pháp luật sau khi được ban hành; bảo đảm thượng tôn pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử phổ biến trong đời sống xã hội và trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đa dạng hóa, đổi mới các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh truyền thông chính sách pháp luật từ khâu xây dựng dự thảo để tạo sự đồng thuận xã hội; phấn đấu tăng tỷ lệ hòa giải thành trong công tác hòa giải ở cơ sở.

3. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy ngành Tư pháp theo hướng đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm thực hiện công tác sắp xếp cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức, nhất là công chức tư pháp ở cơ sở góp phần nâng cao chất lượng và năng lực đội ngũ công chức, viên chức tư pháp đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tỉnh.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Hình thành mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện và tin cậy cho người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, xử lý các vi phạm đồng thời phát huy vai trò tự quản của các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

5. Tăng cường triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tư pháp giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ của ngành Tư pháp có trong Đề án 06. Đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp với trọng tâm là số hóa dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu vi bằng, chứng thực bản sao điện tử; kết nối liên thông các phần mềm như đấu giá, công chứng, lý lịch tư pháp... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động toàn ngành Tư pháp, đáp ứng yêu cầu về xây dựng chính quyền điện tử.

[...]