Quyết định 368/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025

Số hiệu 368/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/03/2018
Ngày có hiệu lực 14/03/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Dương Thành Trung
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 368/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 14 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TĂNG TRƯỞNG XANH TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 08/TTr-SKHĐT ngày 23 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 (Kế hoạch hành động kèm theo).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu, các tổ chức và đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 2075/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

CHỦ TỊCH




Dương Thành Trung

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

Bối cảnh thế giới:

Năm 1992 tại Rio de Janeiro, Braxin, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và Phát triển được tổ chức và đến năm 2002, tại Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi), Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững đã xác định PTBV là “Sự phát triển đáp ứng được những yêu cầu của hiện tại, nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”; đây là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba trụ cột là tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội (thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm phát triển theo mô hình hướng đến bền vững, nền kinh tế thế giới về cơ bản vẫn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, suy thoái và mất cân bằng sinh thái; đồng thời, sự nóng lên toàn cầu và BĐKH đang là một thách thức mới của nhân loại; cuộc chiến cắt giảm phát thải, chống chịu với BĐKH đang ngày càng trở nên khó khăn khi mà các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn không có được tiếng nói chung cho vấn đề cắt giảm phát thải khí nhà kính; cộng đồng quốc tế trong một thời gian dài đã không thể đạt được những cam kết pháp lý cần thiết để cắt giảm phát thải KNK, ứng phó với BĐKH, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2020; mới đây, cuối năm 2015 tại Paris, Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 21 (COP21) nhóm họp với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao nhất của 195 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đã đạt được thỏa thuận lịch sử và các cam kết chính thức về cắt giảm khí nhà kính (KNK) nhằm giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2oC.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia tiến bộ đang chuyển hướng từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế hậu công nghiệp và từng bước chuyển sang kinh tế tri thức; do đó, các nền kinh tế trên thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dần từ kinh tế “Nâu” sang kinh tế “Xanh”; các thuật ngữ “Phát triển xanh”, “Kinh tế xanh”, “Tăng trưởng xanh” đã và đang được ứng dụng trên thực tế; mục đích của kinh tế xanh/tăng trưởng xanh là tiến tới nền kinh tế các - bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển môi trường bền vững; tăng trưởng xanh đang trở thành hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế, dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đang lan tỏa thành một trào lưu rộng rãi, cho phép phát triển hài hòa giữa 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Bối cảnh Việt Nam và tỉnh Bạc Liêu:

Việt Nam đang trong quá trình thực hiện KHPT KT-XH 5 năm 2016 - 2020, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản trở thành nước công nghiệp; để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với BĐKH, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương chính sách liên quan đến PTBV và ứng phó với BĐKH, như:

- Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về BĐKH.

- Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

- Quyết định số 133/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.

Các văn bản này đã bao quát hầu hết nội hàm, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, giải pháp, cách thức thực hiện tăng trưởng xanh, và là cơ sở pháp lý để thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam; là một thành viên tích cực của các thỏa thuận quốc tế về chống BĐKH, tại COP21 ở Paris tháng 11 năm 2015, Chính phủ Việt Nam chính thức cam kết thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK và chủ động tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Với nội dung cụ thể hóa trụ cột kinh tế của Chiến lược PTBV, đáp ứng yêu cầu giảm nhẹ phát thải KNK trong Chiến lược Quốc gia về PTBV, Chiến lược Quốc gia về TTX đặt ra mục tiêu chung là phấn đấu đạt được tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các - bon thấp, bảo đảm để việc làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; đưa mục tiêu giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; thông qua thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược là: (i) Giảm cường độ phát thải KNK và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (ii) Xanh hóa sản xuất và (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, với 17 giải pháp chính, Chiến lược TTX Quốc gia được kỳ vọng sẽ giúp đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng, đánh dấu bước chuyển sang kinh tế Xanh của Việt Nam.

[...]