Quyết định 1784/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025

Số hiệu 1784/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/09/2017
Ngày có hiệu lực 13/09/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Hoàng Văn Trà
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1784/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 13 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TĂNG TRƯỞNG XANH TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020, TẦM NHÌN ĐẾN 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 V/v Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 V/v Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tại Tờ trình số 129/SKHĐT-VP21 ngày 28/8/2017) và ý kiến góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tại Công văn số 6842/BKHĐT-KHGDTNMT ngày 23/8/2017),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025 (sau đây viết tắt là KHHĐ TTX), với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (viết tắt là TTX), hỗ trợ phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với trọng tâm là hướng đến nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính (viết tắt là KNK), làm giàu vốn tự nhiên, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Phát triển các ngành kinh tế trọng điểm theo hướng xanh hóa. Cải thiện các vấn đề môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chất lượng cảnh quan. Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (viết tắt là BĐKH).

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025:

a) Giảm phát thải KNK:

- Đến năm 2020: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với mức phát triển bình thường là 28%, trong đó mức giảm tự nguyện khoảng 17,5%, còn lại là mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc gia và/ hoặc quốc tế.

- Đến năm 2025: Phấn đấu giảm cường độ phát thải khí nhà kính so với mức phát triển bình thường là 46,6%, trong đó mức giảm tự nguyện khoảng 14%, còn lại là mức phấn đấu khi có thêm hỗ trợ quốc gia và/ hoặc quốc tế.

b) Xanh hóa sản xuất:

- Hình thành và phát triển cơ cấu “kinh tế xanh” trên cơ sở đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra giá trị gia tăng lớn, các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu;

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

* Phấn đấu đến năm 2020:

- Duy trì 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 50% làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn đạt yêu cầu;

- 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó 50% các cơ sở áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường;

- Phấn đấu đưa mức đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên lên đạt 3 - 4% GRDP.

c) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững:

Xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tạo nhiều việc làm xanh từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn; cải thiện môi trường sống và phong cách sinh hoạt của cư dân.

* Phấn đấu đến năm 2020:

- Trên 65% số xã đạt chuẩn vệ sinh môi trường theo tiêu chí nông thôn mới.

- 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 90% chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân bón, 70% chất thải rắn nông thôn được thu gom, trong đó 50% được tái sử dụng, tái chế hoặc được tái sản xuất làm phân bón; 70% tổng lượng chất thải rắn nguy hại tại các KCN được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

- Giảm 85% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ dân sinh so với năm 2010.

[...]