Quyết định 3533/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt báo cáo quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 3533/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/12/2010
Ngày có hiệu lực 23/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Ao Văn Thinh
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3533/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 23 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT BÁO CÁO QUY HOẠCH VÙNG KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ TẬP TRUNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 HUYỆN TRẢNG BOM, TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở giết mổ chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 20/3/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt đề cương, dự toán quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai;

Xét đề nghị của UBND huyện Trảng Bom tại Tờ trình số 118/TTr-UBND ngày 16/11/2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2731/SNN-NN ngày 03/12/2010 về việc phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt báo cáo quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, các cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển ngành chăn nuôi:

- Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp.

- Phát triển chăn nuôi phải gắn với bảo vệ môi trường và cải tạo môi trường đất trồng trọt. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi với các giải pháp xử lý chất thải bằng các công nghệ phù hợp nhằm giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi và môi trường sống. Chất thải chăn nuôi được xử lý cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành chăn nuôi theo hướng trang trại và nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh.

- Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ chăn nuôi trong huyện chuyển nhanh chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ thành các trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Từng bước di dời các trang trại chăn nuôi ở các khu vực cấm nuôi sang các vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng các cơ sở sản xuất phân vi sinh hữu cơ sử dụng nguyên liệu từ chất thải chăn nuôi, sử dụng năng lượng sinh học.

- Phát huy lợi thế của từng tiểu vùng, nguồn lực, kết quả và kinh nghiệm nuôi của từng trang trại, nhu cầu thực tế của thị trường; khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trong đó chăn nuôi trang trại là xu hướng chủ đạo, đặc biệt chú trọng phát triển 03 loại vật nuôi có lợi thế nhất trên địa bàn huyện là gà, heo, bò, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sản xuất lâu dài và ổn định.

- Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, sản xuất thức ăn, thuốc thú y, sản xuất phân bón từ nguồn chất thải chăn nuôi, tăng cường hệ thống quản lý Nhà nước và hệ thống giám sát sản phẩm chăn nuôi và thú y để các văn bản pháp luật và chính sách được thực thi một cách hiệu lực và hiệu quả cao.

2. Mục tiêu và phương hướng phát triển:

a) Mục tiêu phát triển

- Đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi từ 5 - 7% giai đoạn 2010 - 2015 và 6 - 8% giai đoạn 2016 - 2020. Đưa tỷ trọng GTSX ngành chăn nuôi từ 39,3% hiện nay lên 47 - 48% năm 2015 và 50 - 52% năm 2020.

- Chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung (CNTT), đưa tỷ lệ đàn heo CNTT từ 48% năm 2010 lên 85% vào năm 2015, tiến tới hầu hết được CNTT vào cuối giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ lệ đàn gia cầm nuôi tập trung tăng tương ứng từ 68% năm 2010 lên khoảng 95% vào năm 2015 và hầu hết được CNTT trong giai đoạn 2016 - 2020.

b) Phương hướng phát triển

Phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trảng Bom, quy hoạch của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

3. Quy mô phát triển ngành chăn nuôi:

Quy mô phát triển đàn heo, đàn gà và đàn bò đến năm 2020 như sau:

+ Đàn heo năm 2010: 187.000 con, 2015: 197.200 con, năm 2020: 250.200 con.

+ Đàn gà năm 2010: 3.290.500 con, năm 2015: 3.838.900 con, năm 2020 là 4.691.300 con.

+ Đàn bò năm 2010: 5.154 con, năm 2015: 5.790 con, năm 2020: 7.030 con.

+ Ngoài 03 loại vật nuôi chính, trên địa bàn huyện còn có thể phát triển các loại vật nuôi khác như vịt, cút, dê, cừu, ong, các loại gia cầm khác. Tuy quy mô không lớn nhưng sẽ được tạo điều kiện để phát triển theo hướng tập trung công nghiệp, làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch để không nguy hại cho các loại vật nuôi khác.

[...]