Quyết định 3466/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020

Số hiệu 3466/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/10/2014
Ngày có hiệu lực 29/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3466/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ ĐƯA RƯỚC CÔNG NHÂN, HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ VẬN CHUYỂN KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 8934/TTr-SGTVT ngày 15/10/2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch;
- Tổng cục ĐBVN;
- Chánh - Phó Văn phòng;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT, CNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN PHỤC VỤ ĐƯA RƯỚC CÔNG NHÂN, HỌC SINH, SINH VIÊN VÀ VẬN CHUYỂN KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3466/QĐ-UBND ngày 29 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Căn cứ Thông tư số 108/2014/TT-BTC ngày 11/08/2014 của Bộ Tài chính về quy định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng Chương trình đầu tư phương tiện phục vụ đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên và vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung như sau:

I. Sự cần thiết xây dựng chương trình

Hiện nay dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trên 2,7 triệu người, xếp thứ 05 cả nước. Trong đó lượng công nhân, học sinh, sinh viên chiếm gần 50%. Tỉnh Đồng Nai có 32 cụm Khu công nghiệp với 1.302 nhà máy, hơn 453.000 công nhân (chưa tính nhà máy ngoài Khu công nghiệp); có 542 trường học với hơn 474.000 học sinh, sinh viên. Để đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của công nhân, học sinh, sinh viên thì mỗi ngày phải vận chuyển được 100.000 khách/ngày như vậy phải cần khoảng 2.000 - 3.000 xe đưa rước (hiện nay mới có khoảng hơn 500 xe).

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai từ năm 2011 đến hết tháng 8 năm 2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.774 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 1.607 người và bị thương 2.765 người. Tai nạn giao thông chủ yếu trên các tuyến quốc lộ (65%) và chủ yếu do xe gắn máy gây ra (60%).

Việc đi lại của người dân ngày càng trở nên khó khăn, ùn tắc giao thông xảy ra tại nhiều nơi. Do đó, việc đầu tư, phát triển phương tiện giao thông công cộng nhất là xe buýt là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo sự an toàn, thuận tiện và bảo vệ môi trường, cải thiện hình ảnh của vận tải hành khách công cộng.

Tuy nhiên, chất lượng và số lượng của xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh, sinh viên ở tỉnh Đồng Nai chưa cao, với một số khiếm khuyết như:

- Số lượng xe chưa đáp ứng nhu cầu.

- Các xe buýt đã hoạt động gần 10 năm, đến thời kỳ xuống cấp về mặt kỹ thuật. Số xe tự đầu tư của khối Hợp tác xã cũng đã cũ kỹ, có chất lượng kém.

- Đa số các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải theo quy định.

- Kiểu dáng và màu sơn xe buýt chưa đồng nhất toàn bộ cả hệ thống xe buýt của thành phố.

Hoạch định một chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích và huy động các thành phần kinh tế tham gia nhất là các Hợp tác xã có điều kiện đầu tư mới và thay thế, phát triển loại phương tiện mới có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, hiện đại, nhất là nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, nhằm góp phần để tạo điều kiện cho các Khu công nghiệp phát triển, đối tượng công nhân, học sinh - sinh viên có điều kiện đi lại, giá cả phải chăng, góp phần vào việc phát triển bền vững, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Chương trình này được xây dựng với mục tiêu phát triển vận chuyển đưa rước đối tượng công nhân, học sinh - sinh viên là những đối tượng thường xuyên đi xe buýt trên các lộ trình cố định (mở rộng tuyến xe buýt theo quy hoạch, tăng cường xe đưa rước tại các khu công nghiệp - đầu tư phương tiện mới) và thay thế xe buýt cũ gần hết niên hạn sử dụng, không đáp ứng tiêu chuẩn ngành hiện đang hoạt động trên địa bàn của tỉnh bằng loại phương tiện mới có chất lượng tốt hơn, mở thêm tuyến xe buýt mới theo quy hoạch và hợp đồng đưa rước thêm công nhân, học sinh - sinh viên trên địa bàn tỉnh.

[...]