Quyết định 343/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 343/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 25/01/2014
Ngày có hiệu lực 25/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Giáo dục

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 343/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỌC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐẠI HỌC GIAO THÔNG VẬN TẢI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (số 302-CTr/BCSĐ ngày 18/11/2013) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 48/ĐHGTVT-ĐN ngày 22/01/2014 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng về Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một cách hệ thống, đồng bộ, từ cấp đơn vị lên cấp Trường, ở tất cả các bộ phận. Trong quá trình đổi mới, Trường sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu và phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc.

3. Tập trung phát triển và đẩy mạnh đào tạo chất lượng cao đối với những ngành đào tạo truyền thống của Trường, đầu tư và mở những chuyên ngành mới phục vụ cho sự phát triển của ngành Giao thông vận tải và cả nước.

4. Chiến lược phát triển Trường phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, thay vì tăng số lượng sinh viên. Chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống quản lý và công tác giáo dục đào tạo của Trường.

5. Tích cực, chủ động xã hội hóa giáo dục và đào tạo, tạo nguồn lực để phát triển Trường.

6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020

a) Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành về Giao thông vận tải của khu vực phía Nam và cả nước.

b) Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp, thi, kiểm tra, đánh giá), các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, ở mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

c) Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân). Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

d) Chuyển nền giáo dục phát triển chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đồng thời đáp ứng nhu cầu về số lượng nhân lực của xã hội; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa và dân chủ hóa giáo dục.

đ) Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu liên thông sang hệ thống giáo dục mở; hình thành cơ chế học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập; thực hiện xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.

e) Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ Giao thông vận tải và quốc gia; trong đó, có một số ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.

g) Ưu tiên đầu tư mở rộng và xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng diện tích đất đai của Nhà trường, định hướng phát triển về Đồng Nai trong kế hoạch dài hạn giai đoạn 2020-2030.

h) Tăng cường nguồn lực về tài chính bằng việc mở rộng xã hội hóa, phát huy và khơi dậy mọi tiềm năng về hoạt động chuyển giao khoa học-công nghệ, dịch vụ, tư vấn, giám sát, lao động sản xuất... của các khoa chuyên ngành; tiếp tục thành lập mới các viện, công ty, trung tâm trực thuộc phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; có chính sách thu hút đầu tư từ xã hội cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của Nhà trường.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học; nâng cao chất lượng và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của ngành Giao thông vận tải. Đến năm 2020, trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của ngành Giao thông vận tải ở khu vực phía Nam.

[...]