Quyết định 873/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề giao thông vận tải Trung ương II đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 873/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 26/03/2014
Ngày có hiệu lực 26/03/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 873/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ GTVT TRUNG ƯƠNG II ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Chương trình hành động của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (số 302-CTr/BCSĐ ngày 18/11/2013) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương II tại Tờ trình số 38/TTr-CĐNGTVTTWII ngày 18 tháng 02 năm 2014 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương II đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng nghề GTVT Trung ương II đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung cơ bản như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Đổi mới căn bản công tác đào tạo, dạy nghề trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu, những nhân tố mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển đào tạo nghề gắn với phát triển khoa học công nghệ, Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011- 2020, Chiến lược phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Đào tạo người lao động phát triển toàn diện, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, sức khỏe, ngoại ngữ, tin học; bồi dưỡng kỹ năng sống; rèn luyện tính năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng trong cơ chế thị trường; đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề sử dụng nhân lực có tay nghề cao trong nước và xuất khẩu lao động.

3. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề có kỹ năng thực hành chuyên sâu, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đào tạo nghề, có năng lực trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, để phục vụ cho sự phát triển bền vững của Nhà trường.

4. Phát triển đồng bộ các yếu tố đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, phù hợp với quy mô, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề đào tạo trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Thực hiện nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục Nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

5. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển dạy nghề, tập trung xây dựng các nghề chất lượng cao, trong đó ưu tiên các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020

Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng nghề nghiệp, phát triển toàn diện, có kiến thức, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp. Đến năm 2020, nguồn nhân lực của Nhà trường đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu xây dựng Nhà trường trở thành một trong 40 Trường chất lượng cao đến năm 2020 theo quy hoạch mạng lưới phát triển các cơ sở dạy nghề.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Cơ cấu ngành nghề đào tạo

- Được xây dựng trên cơ sở nhu cầu nguồn nhân lực của ngành và xã hội theo hướng tăng dần quy mô đào tạo.

- Phát triển, mở mới nghề theo định hướng và nhu cầu của xã hội: Cơ điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.

- Phát triển đa ngành nghề đào tạo, lựa chọn các ngành có thế mạnh: Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy; Hàn; Cắt gọt kim loại; Điện tàu thủy; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Sửa chữa máy tàu thủy đầu tư trở thành các nghề trọng điểm cấp quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia.

(Danh mục các ngành nghề đào tạo đến năm 2020 theo Phục lục 01 kèm theo)

b) Quy mô đào tạo: Xây dựng trên cơ sở chỉ tiêu dự kiến của năm 2014, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành GTVT và xã hội. Đến năm 2020, quy mô đào tạo của trường đáp ứng yêu cầu của trường trọng điểm quốc gia. Dự kiến đến năm 2020 lưu lượng học sinh, sinh viên toàn trường, hệ chính quy, trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp là 2.500 sinh viên, học sinh, trong đó có 300 sinh viên nghề trọng điểm quốc tế, khu vực và trên 5000 học sinh sơ cấp.

(Dự kiến quy mô đào tạo đến năm 2020 theo Phục lục 02 kèm theo)

c) Cơ cấu tổ chức

- Mô hình tổ chức: Trên cơ sở Điều lệ Trường đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quy mô phát triển; trước mắt Nhà trường giữ nguyên mô hình tổ chức đang hoạt động, Nhà trường sẽ bổ sung một số đầu mối tổ chức khi xuất hiện nhiệm vụ theo từng giai đoạn phát triển.

[...]