Quyết định 33/2011/QĐ-UBND quy định cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 33/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/11/2011
Ngày có hiệu lực 27/11/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 33/2011/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HỖ TRỢ ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HOÁ MỘT SỐ KHÂU TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2011-2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 48/2009/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 389/TTr-SNN&PTNT ngày 08/11/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ mua các loại máy móc, thiết bị được buôn bán hợp pháp ở thị trường trong nước, phù hợp với việc áp dụng theo điều kiện ruộng đất từng vùng trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh cơ giới hoá một số khâu trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể như sau:

a) Các loại máy làm đất 4 bánh, có công suất từ 18 CV trở lên, máy gặt đập liên hợp, máy sấy hạt giống đối với các huyện đồng bằng và các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn;

b) Các loại máy làm đất nhỏ, máy gặt xếp hàng đối với các huyện miền núi cao.

2. Hằng năm, ngân sách tỉnh bố trí kinh phí để hỗ trợ mua các loại máy móc, thiết bị nêu trên; sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình đào tạo nghề để hỗ trợ đào tạo cho chủ sử dụng máy móc, thiết bị về cơ khí nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/2011/NQ-HĐND ngày 19/7/2011 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Chương trình mục tiêu việc làm và dạy nghề tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Hộ gia đình, Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác có địa chỉ cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhu cầu mua các loại máy móc, thiết bị, nhu cầu học nghề theo quy định tại khoản 1 Điều này, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là chủ thể trực tiếp sản xuất và dịch vụ sản xuất (không phải mua đi, bán lại).

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho các đối tượng theo quy định tại Điều 4, Quyết định này;

2. Các đối tượng được hỗ trợ phải cam kết sử dụng đúng mục đích là phục vụ sản xuất ít nhất 3 năm (tính từ ngày được nhận vốn hỗ trợ) và khi hết thời vụ hoặc chưa đến thời vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, mới được đưa đi phục vụ sản xuất ở nơi khác. Nếu vi phạm sẽ bị thu hồi phần kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ theo cơ chế;

3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn tự có và tranh thủ cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước để mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;

4. Các địa phương căn cứ vào dự toán được phân bổ để lập kế hoạch, công khai kế hoạch và thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, theo kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt;

5. Các đối tượng được hỗ trợ theo Cơ chế này, vẫn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng quy định tại Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hiện hành của Trung ương ưu đãi về tín dụng đối với cơ giới hoá nông nghiệp. Các loại máy móc, thiết bị của HTX nông nghiệp mua sắm, đã được hưởng hỗ trợ của cơ chế về ứng dụng công nghệ mới theo Nghị quyết 113/2008/NQ-HĐND ngày 30/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam, thì không được hưởng hỗ trợ theo Cơ chế này.

Điều 4. Mức hỗ trợ

1. Đối với máy làm đất (bao gồm máy kéo và công cụ kèm theo như rơ - moóc, cày, bừa...), thiết bị sấy, máy gặt xếp hàng: hỗ trợ 20% giá mua máy ghi trong hoá đơn bán hàng (hoá đơn đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước), nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/máy.

2. Máy gặt đập liên hợp: Hỗ trợ 25% giá mua máy ghi trong hoá đơn bán hàng, nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng/máy;

3. Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ một lần và tổng số máy được hỗ trợ tối đa không quá: 01 máy đối với hộ gia đình; 02 máy đối với Tổ hợp tác; 03 máy đối với Hợp tác xã (không phân biệt máy cùng chủng loại hoặc khác chủng loại).

Điều 5. Trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ

1. Trình tự lập, phân bổ kế hoạch

a) Trên cơ sở nhu cầu mua máy móc, thiết bị, nhu cầu đào tạo nghề cơ khí nông nghiệp của các đối tượng được hỗ trợ nêu tại Điều 2, Quyết định này; UBND cấp xã tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện. Tháng 8 hằng năm, UBND cấp huyện lập kế hoạch về nhu cầu kinh phí hỗ trợ theo từng loại máy thuộc phạm vi điều chỉnh của cơ chế này, gửi đến Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp, lập kế hoạch gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện trong dự toán thu, chi ngân sách hằng năm;

b) Căn cứ kinh phí bổ sung có mục tiêu được phân bổ, UBND cấp huyện phân bổ vào dự toán của Phòng Nông nghiệp và PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) huyện, thành phố; sau đó, thông báo kế hoạch kinh phí được hỗ trợ cho UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm công khai rộng rãi, để các đối tượng có nhu cầu mua máy móc, thiết bị biết làm đơn đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp xã (đơn này viết theo mẫu và được Ban nhân dân thôn, hoặc Ban nhân dân khối phố chứng nhận);

[...]