Quyết định 33/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành

Số hiệu 33/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/10/2010
Ngày có hiệu lực 22/10/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Nam
Người ký Trần Xuân Lộc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 33/2010/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 12 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Theo Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 về việc ban hành Quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 135/TTr-STN&MT ngày 29 tháng 6 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Xuân Lộc

 

QUY ĐỊNH

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định nội dung về bảo vệ môi trường làng nghề; trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các làng nghề.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, xóm hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, phường, thị trấn, có các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là làng nghề.

2. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.

3. Kiểm soát ô nhiễm môi trường là tổng hợp các hoạt động, hành động, biện pháp và công cụ nhằm phòng ngừa, khống chế không cho sự ô nhiễm xảy ra, hoặc khi có sự ô nhiễm xảy ra có thể chủ động xử lý, làm giảm thiểu hay loại trừ ô nhiễm xảy ra.

4. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.

5. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là trường hợp hàm lượng của một hoặc nhiều thông số ô nhiễm nguy hại vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 03 lần trở lên hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 05 lần trở lên.

6. Ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp hàm lượng của một hoặc nhiều thông số ô nhiễm nguy hại vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 05 lần trở lên hoặc hàm lượng của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm khác vượt quá tiêu chuẩn về chất lượng môi trường từ 10 lần trở lên.

7. Sản xuất sạch hơn là quá trình cải tiến liên tục hoạt động sản xuất công nghiệp, sản phẩm và dịch vụ để giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, giảm phát sinh chất thải tại nguồn, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

[...]