BỘ TÀI NGUYÊN
VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3228/QĐ-BTNMT
|
Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT KẾ HOẠCH RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
VÀ PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm
pháp luật năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng
4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng
7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ
máy của tổ chức pháp chế;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà soát, hệ thống
hóa, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm
pháp luật về tài nguyên và môi trường năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế
hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các Bộ: Tư pháp, Nội vụ;
- Lưu: VT, PC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|
KẾ HOẠCH
RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP
LUẬT VÀ PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM
2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-BTNMT ngày
tháng năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên
và Môi trường)
A. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
I. Mục đích
1. Rà soát, hệ thống hóa văn bản
quy phạm pháp luật là hoạt động nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn,
chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế
- xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành
văn bản mới hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
2. Kiểm tra, xử lý văn bản quy
phạm pháp luật là hoạt động nhằm phát hiện những văn bản ban hành không đúng thẩm
quyền; văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp
luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; văn bản vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ
tục xây dựng, ban hành; văn bản có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức, kỹ
thuật trình bày; văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành
bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật
hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm
quyền ban hành để kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban
hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra; đình chỉ việc thi hành một phần
hoặc toàn bộ văn bản; bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; đính chính văn bản;
xem xét, quyết định hình thức xử lý đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản
trái pháp luật.
3. Tổ chức triển khai có hiệu
quả, đúng lộ trình xây dựng các chủ đề pháp điển thuộc trách nhiệm của Bộ Tài
nguyên và Môi trường tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2019 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công
cơ quan thực hiện pháp điển theo đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29 tháng
7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
II. Yêu cầu
1. Rà soát văn bản phải được tiến
hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc
trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự rà soát.
Việc hệ thống hóa văn bản phải được tiến hành định kỳ, đồng bộ; kịp thời công bố
Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản; tuân thủ trình tự
hệ thống hóa. Việc rà soát, hệ thống hóa văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà
nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Kiểm tra, xử lý văn bản phải
bảo đảm tính toàn diện, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch; đúng thẩm
quyền, trình tự, thủ tục; kết hợp giữa việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm
quyền với việc tự kiểm tra của cơ quan, người ban hành văn bản. Kiểm tra, xử lý
văn bản phải bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan; không được lợi
dụng việc kiểm tra, xử lý văn bản vì mục đích vụ lợi, gây khó khăn cho hoạt động
của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản và can thiệp vào quá trình xử
lý văn bản trái pháp luật. Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, xử lý văn bản
chịu trách nhiệm về kết luận kiểm tra và quyết định xử lý văn bản.
3. Công tác rà soát, hệ thống
hóa, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm
pháp luật, kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế tại các đơn vị trực thuộc
Bộ phải có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ Pháp chế
và các đơn vị giúp Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc thực hiện các
nhiệm vụ được giao.
4. Phải xác định đầy đủ nội
dung công việc, tiến độ, thời hạn hoàn thành, trách nhiệm và nâng cao tính chủ
động của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai nhiệm vụ rà soát, hệ thống
hóa, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm
pháp luật năm 2020.
B. NỘI
DUNG
I. Rà soát
văn bản quy phạm pháp luật
1. Nội dung, trình tự, thủ tục và
xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại Chương IX Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn
bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực,
địa bàn căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước theo nhiệm vụ được giao.
2. Kết quả rà soát văn bản quy
phạm pháp luật:
a) Kết quả rà soát được thể hiện
bằng Phiếu rà soát văn bản theo quy định tại Điều 151 của Nghị định
số 34/2016/NĐ-CP.
b) Kết quả xử lý hoặc kiến nghị
xử lý kết quả rà soát văn bản theo quy định tại Điều 154 của Nghị
định số 34/2016/NĐ-CP.
c) Công bố danh mục văn bản hết
hiệu lực, ngưng hiệu lực thuộc trách nhiệm rà soát của mình, bao gồm cả văn bản
quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực theo quy định theo quy định tại Điều 157 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
d) Báo cáo kết quả rà soát văn
bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 170 của Nghị định
số 34/2016/NĐ-CP.
3. Thời gian, tiến độ thực hiện:
năm 2020.
4. Phân công thực hiện:
a) Các Tổng cục, Cục trực thuộc
Bộ chủ trì thực hiện nội dung rà soát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật
thuộc lĩnh vực được giao quản lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hoặc
được giao chủ trì soạn thảo.
b) Các Vụ trực thuộc Bộ thực hiện
rà soát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo.
c) Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
- Đôn đốc, hướng dẫn thực hiện
nhiệm vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ;
- Rà soát theo chuyên đề, lĩnh
vực, địa bàn căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước theo nhiệm vụ được giao;
- Tổng hợp, báo cáo kết quả rà
soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng hợp, trình Bộ trưởng
công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ
hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
II. Kiểm
tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra việc thực hiện công tác pháp
chế
1. Nội dung:
a) Tự kiểm tra các văn bản quy
phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành trong năm
2020.
b) Kiểm tra theo thẩm quyền các
văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có
nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi
trường, gồm:
- Kiểm tra tại chỗ các văn bản
quy phạm pháp luật do địa phương gửi đến hoặc tự thu thập được.
- Kiểm tra tại địa bàn: thành lập
đoàn kiểm tra để kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố ban hành có nội dung chưa phù hợp với quy định
của pháp luật tại một số địa phương.
Nội dung kiểm tra văn bản quy
phạm pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 104 Nghị định số
34/2016/NĐ-CP.
2. Trình tự, thủ tục kiểm tra,
xử lý văn bản trái pháp luật thực hiện theo quy định tại Nghị định số
34/2016/NĐ-CP.
3. Kết quả kiểm tra: Kết quả kiểm
tra được thể hiện bằng Phiếu kiểm tra văn bản; Kết luận kiểm tra văn bản trái
pháp luật; Báo cáo kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
4. Thời gian, tiến độ thực hiện:
trong năm 2020.
5. Phân công thực hiện:
a) Vụ Pháp chế chủ trì thực hiện
nội dung kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra việc thực hiện
công tác pháp chế của các đơn vị trực thuộc Bộ theo Kế hoạch.
b) Các đơn vị trực thuộc Bộ chịu
trách nhiệm đề xuất phương án xử lý, phối hợp với Vụ Pháp chế trong quá trình xử
lý văn bản trái pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo
thẩm quyền; văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khác ban hành về
những nội dung có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường được phát hiện
trong quá trình tự kiểm tra hoặc kiểm tra theo thẩm quyền theo quy định của
pháp luật.
III. Pháp điển
quy phạm pháp luật
1. Nội dung công việc: Thực hiện
pháp điển Đề mục Khí tượng thủy văn (theo Quyết định số 1226/QĐ-BTNMT ngày 22
tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của
Bộ Tài nguyên và Môi trường); cập nhật các Đề mục: Đất đai, Bảo vệ môi trường,
Đa dạng sinh học, Tài nguyên nước, Khoáng sản, Đo đạc và bản đồ, Hoạt động viễn
thám, Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
2. Thời gian và tiến độ thực hiện:
trong năm 2020.
3. Phân công thực hiện:
a) Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế.
b) Đơn vị phối hợp: Các Tổng cục,
các Cục thuộc Bộ.
C. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
I. Vụ Pháp
chế có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra
việc triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này.
2. Chủ trì, phối hợp với các Tổng
cục, Cục, Vụ và Thanh tra Bộ triển khai Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, kiểm
tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
về tài nguyên và môi trường; định kỳ báo cáo Bộ trưởng, các Thứ trưởng phụ
trách lĩnh vực về kết quả thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử
lý văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo Kế
hoạch đã được phê duyệt.
II. Các Tổng
cục, Cục thuộc Bộ có trách nhiệm:
1. Xây dựng, phê duyệt và tổ
chức thực hiện Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc
lĩnh vực được Bộ giao quản lý; gửi Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy
phạm pháp luật của đơn vị về Bộ (qua Vụ Pháp chế) trước ngày 15 tháng 3 năm
2020 và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
2. Bố trí kinh phí bảo đảm cho
việc thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm
pháp luật của đơn vị.
3. Phối hợp với Vụ Pháp chế
trong quá trình thực hiện Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản
quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về tài nguyên và
môi trường đã được phê duyệt.
III.
Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm cân đối kinh
phí để bảo đảm thực hiện Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản
quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về tài nguyên và
môi trường năm 2020.
IV.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm phê duyệt Dự toán kinh phí
triển khai thực hiện Kế hoạch do Vụ Pháp chế chủ trì thực hiện; theo dõi, đôn
đốc, kiểm tra việc sử dụng kinh phí kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử
lý văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo
đúng quy định hiện hành; phối hợp với Vụ Pháp chế kịp thời đăng tải, công bố kết
quả rà soát, hệ thống hóa, pháp điển của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định
của pháp luật.