Quyết định 3188/QĐ-UBND năm 2021 về chủ trương, biện pháp quản lý và điều hành ngân sách địa phương năm 2022 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 3188/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/12/2021
Ngày có hiệu lực 01/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Văn Quang
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3188/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 2047/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Quyết định số 2280/QĐ-BTC ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về dự toán thu NSNN trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2022;

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những quan điểm xây dựng dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2022;

QUYẾT ĐỊNH:

I. PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI VÀ PHÂN BỔ, GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022:

Điều 1. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đối với ngân sách địa phương:

1. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XIX, kỳ họp thứ Ba về quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

2. Nguyên tắc phân chia và sử dụng một số khoản thu trong năm 2022 cụ thể như sau:

a) Phân chia nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước trên cơ sở sản lượng xăng, dầu trong nước sản xuất, bán ra trong kỳ kế hoạch so với sản lượng xăng, dầu kế hoạch do doanh nghiệp đầu mối bán ra. Theo đó: điều tiết 48% số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu về ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh hưởng 100%); điều tiết 52% số thu thuế bảo vệ môi trường về ngân sách trung ương.

b) Phân chia các khoản thu còn lại được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm (%) điều tiết ngân sách các cấp ở địa phương theo Nghị quyết số 16/2021/NQ- HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ.

c) Nguồn thu tiền sử dụng đất được sử dụng cho chi đầu tư phát triển thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương; Các địa phương bố trí dự toán chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện thanh toán các khoản kinh phí phục vụ công tác đấu giá (chi bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi xây dựng hạ tầng phục vụ đấu giá theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt…). Đồng thời, bố trí tối thiểu 10% từ nguồn thu tiền sử dụng đất để thực hiện Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh Phú Thọ.

d) Nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết trong dự toán ngân sách địa phương được sử dụng cho chi đầu tư phát triển cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế. Phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Điều 2. Phân bổ và giao dự toán thu ngân sách:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc và các xã, phường, thị trấn đảm bảo tối thiểu bằng mức dự toán thu ngân sách UBND tỉnh giao. Trong đó, dự toán thu NSNN năm 2022 giao cho các Chi cục thuế khu vực được giao chi tiết các khoản thu trên địa bàn từng huyện đảm bảo đúng quy định. Chi cục Thuế khu vực có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn; đồng thời phối hợp với Ngân hàng, Kho bạc nhà nước hướng dẫn người nộp thuế thuộc địa bàn quản lý khi nộp tiền vào NSNN theo quy định.

Ngoài việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các đơn vị giao nhiệm vụ thu sự nghiệp cho các đơn vị trực thuộc (nếu có).

2. Việc giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 phải trên cơ sở rà soát, phân tích, đánh giá đầy đủ các nguồn thu phát sinh và kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2021; căn cứ các chính sách, pháp luật về thu ngân sách; dự báo mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, tình hình sản xuất - kinh doanh của người nộp thuế trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế; ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; tích cực đôn đốc thu hồi nợ thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định, hạn chế nợ mới phát sinh, thu hồi kịp thời số tiền thuế, tiền phạt và các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

(Trường hợp các địa phương thực hiện giao tăng thu tiền sử dụng đất so với số HĐND tỉnh giao đề nghị căn cứ kế hoạch giao đất, kế hoạch tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất trong năm, căn cứ các phương án tài chính tổ chức đấu giá thực hiện bố trí tăng chi đầu tư phát triển phần chi phí đầu tư hạ tầng phục vụ cho công tác đấu giá tương ứng).

Điều 3. Phân bổ và giao dự toán chi ngân sách nhà nước:

Dự toán chi ngân sách nhà nước (bao gồm chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) năm 2022 được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 và Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XIX, kỳ họp thứ Ba về quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 và các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cụ thể:

1. Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển:

- Dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật NSNN năm 2015, và các văn bản hướng dẫn; Danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2022 phải phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ và khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư năm 2022. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân trong năm 2022 theo nguyên tắc đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 về phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2022.

- Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 sau khi bố trí dành nguồn tương ứng số bội thu ngân sách cấp tỉnh để trả nợ gốc các khoản vay của ngân sách địa phương đến hạn phải trả trong năm 2022 và dành nguồn để trả nợ lãi các khoản vay đến hạn trong năm 2022; phần còn lại mới phân bổ vốn cho các công trình, dự án, trong đó bố trí, cân đối đủ vốn cho các dự án, chương trình được ngân sách trung ương hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu theo quy định.

- Đối với nguồn thu tiền sử dụng đất ngân sách huyện, xã được hưởng theo tỷ lệ điều tiết: Ngoài việc bố trí nguồn để thực hiện thanh toán các khoản kinh phí phục vụ công tác đấu giá và Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo tại điểm c khoản 2 Điều 1 Quyết định này; các huyện, thành, thị phải ưu tiên, tập trung bố trí nguồn để xử lý nợ xây dựng cơ bản (XDCB) đối với các dự án và phần vốn thuộc trách nhiệm ngân sách cấp huyện, xã theo quy định. Đồng thời, chỉ cho phép bố trí vốn cho các công trình, dự án khởi công mới khi được sự đồng ý của UBND tỉnh.

[...]